Các quốc gia Đông Nam Á thần tốc phát triển xe điện
Thái Lan củng cố vị thế “Detroit Đông Nam Á”
Từ đầu năm 2022, Thái Lan đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ xe điện, để củng cố thêm vị thế phân khúc này tại “Detroit Đông Nam Á”. Kể từ đầu năm, Chính phủ Thái Lan đã công bố hàng loạt chính sách khuyến khích xe điện, bao gồm giảm thuế, tăng trợ cấp (tối đa 150.000 baht, tương đương xấp xỉ 100 triệu đồng mỗi xe) cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất. Mục tiêu Thái Lan đề ra, từ năm 2030, 30% xe sản xuất trong nước là xe điện, tương đương khoảng 750.000 xe/năm.
Thái Lan đặt tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện và linh kiện toàn cầu |
Để thực hiện kế hoạch này, trung tuần tháng 8/2022, Cơ quan điện lực Thái Lan và Nissan Thái Lan đã ký biên bản ghi nhớ với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ sạc "PEA Volta Verse", đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang sử dụng xe điện của người tiêu dùng và tốc độ phát triển hệ sinh thái xe điện. Hai tổ chức này sẽ đồng nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới liên quan tới dịch vụ và trạm sạc phục vụ xe điện.
Đội hình của Nissan hiện tại có dòng xe thuần điện Leaf, với phiên bản mới nhất có công nghệ V2H - khả năng cấp điện ngược cho mạng lưới điện, các thiết bị cắm ngoài. Trước đó, vào tháng 1 năm nay, Nissan cũng giới thiệu chương trình Blue Switch tận dụng những công nghệ của xe điện để hỗ trợ cộng đồng, như làm nguồn điện di động trong nỗ lực cứu trợ thiên tai.
Indonesia phát triển gần 25.000 trạm sạc xe điện
Theo Giám đốc phụ trách phát triển dự án xanh và năng lượng tái tạo của Tổng Công ty điện lực Indonesia PT PLN Wiluyo Kusdwiharto, quốc gia vạn đảo đã xây dựng được 345 trạm sạc xe điện (SPKLU) tại 295 địa điểm. Trong đó, PLN sở hữu 150 trạm với 117 địa điểm, tương đương 43%. Đây là con số ấn tượng nhưng còn khiêm tốn so với mức kỳ vọng xây dựng 24.720 trạm sạc xe điện vào năm 2030.
Indonesia phát triển gần 25.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030 |
Theo kế hoạch, PLN sẽ triển khai 3 chương trình để phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho chiến lược phát triển xe điện của quốc gia; Gồm: Cung cấp hệ thống sạc tại nhà; Hệ thống sạc tại các trung tâm thương mại, khu vực công cộng và trạm trao đổi pin xe điện. Dịch vụ trao đổi pin xe điện sẽ được tích hợp thông qua điện thoại thông minh để kích hoạch dịch vụ.
Hiện tại quốc gia Indonesia đang vận hành 22.671 phương tiện xe điện, trong đó 19.698 xe máy điện, 2.654 ô tô điện, 270 xe ba bánh, 43 xe bus và 6 phương tiện vận tải nhỏ.
Malaysia nỗ lực chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang điện
Tại quốc gia láng giềng, Malaysia đã lên các kế hoạch mở rộng việc sử dụng xe buýt và taxi điện như một phần trong nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng và ngành công nghiệp chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang điện. Ngoài ra, Malaysia cũng cần bắt kịp các nhà sản xuất ô tô láng giềng vốn đang chuyển trọng tâm sang sản xuất xe điện.
Malaysia đặt mục tiêu thành lập 10.000 trạm sạc vào năm 2025 so với 1.000 trạm sạc hiện có |
Tại Malaysia, bất chấp những cải tiến trong giao thông công cộng, các phương tiện cá nhân vẫn đóng vai trò quan trọng do khả năng tiếp cận phương tiện công cộng thấp của những người có nhu cầu đi lại. Do đó, quốc gia này đã lên các kế hoạch mở rộng việc sử dụng xe buýt điện và taxi EV.
Theo các chuyên gia kinh tế, xe điện chỉ có thể thâm nhập thị trường Malaysia khi tham gia đại trà thay vì thị trường ngách. Malaysia đã đưa ra các biện pháp khuyến khích thúc đẩy việc sử dụng xe điện như miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặc dù các ưu đãi đó làm giảm giá xe điện nhưng những người có mức thu nhập trung bình vẫn không đủ khả năng chi trả. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người tiêu dùng có thể không sẵn sàng mua xe điện nếu các trạm sạc công cộng không có sẵn. Để đạt được mục tiêu này, Malaysia đặt mục tiêu thành lập 10.000 trạm sạc vào năm 2025 so với 1.000 trạm sạc hiện có.
Đến năm 2040 Singapore sẽ loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong
Là một trong những quốc gia Đông Nam Á đi đầu về công nghệ, từ năm 2009, Chính phủ Singapore đã bắt đầu tìm hiểu sâu về xe điện (EV) qua việc thành lập ủy ban đặc biệt về EV với sự tham gia của 8 bộ. Ủy ban này có trách nhiệm đánh giá chi phí, lợi ích, tính khả thi khi triển khai EV trên toàn quốc. Vì vậy, tỉ lệ xe điện trong lĩnh vực taxi tại quốc đảo sư tử đang ngày một cao.
Đầu năm nay, Quốc vụ khanh cấp cao về Giao thông Singapore Amy Khor khẳng định: “Nếu đi trên đường, bạn có thể bắt gặp tới quá nửa xe taxi là xe lai điện hoặc xe điện (EV), tăng 18% so với 3 năm trước”. Ngoài ra, Cơ quan giao thông đường bộ Singapore (LTA) cam kết sẽ điện hóa 100% dàn xe buýt vào năm 2040.
Hệ thống trạm sạc điện được xây dựng đồng bộ ở Singapore |
Để khuyến khích người dân chấp nhận xe điện, LTA tập trung vào 3 lĩnh vực, đó là: Giảm, trợ cấp các loại thuế phí xe điện; Xác lập quy định, tiêu chuẩn; Triển khai hạ tầng sạc.
Về thuế và trợ cấp xe điện, Singapore đã thực hiện nhiều chương trình như “Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện” bao gồm giảm thuế, phụ phí để kích cầu xe hơi cá nhân, taxi, phương tiện thương mại hạng nhẹ, cho phép người mua xe có thể tiết kiệm lên tới 45.000 USD
Ngoài ra, theo “Sáng kiến sớm chấp nhận xe điện”, Singapore còn hạ mức phí trước bạ tối thiểu mà người mua ô tô, taxi điện từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 phải nộp từ 5.000 USD xuống 0. Bên cạnh đó, Singapore giảm thuế đường bộ cho xe điện, một số xe lai điện.
Để bù đắp thiếu hụt ngân sách từ thuế bán nhiên liệu, chính phủ chỉ đánh thuế 1 lần với EV là 100 đô-la Singapore (73 USD) trong năm 2021. Với những xe mua sau năm 2023 sẽ chịu thuế 350 đô-la Singapore (256 USD).
Đáng chú ý nhất, Singapore đặt mục tiêu xây dựng 60.000 điểm sạc xe điện vào năm 2030, bao gồm 40.000 điểm tại các khu đỗ xe công cộng và 20.000 điểm tại khu dân cư. Quá trình này sẽ do Nhà nước chủ trì và phối hợp với các đơn vị tư nhân thực hiện. Như vậy, đến năm 2030, tại Singapore cứ 5 xe điện sẽ có một điểm sạc.