Các ứng dụng làm đẹp đang “điều khiển” giới trẻ như thế nào?
Người trẻ không lơ là, quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch Người trẻ mùa giãn cách, nhiều áp lực và nỗi lo Hà Nội: Muôn cách người trẻ chống dịch |
Sợ đăng ảnh mặt mộc
Filter - bộ lọc hình ảnh trên các ứng dụng dần trở thành cách thức phổ biến và nhanh chóng nhất để nhiều cô gái sở hữu bề ngoài xinh đẹp. Kho hiệu ứng đa dạng của filter cho phép người dùng có thể “vịt hóa thiên nga” trong nháy mắt chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Với nhiều người, filter giúp họ bắt kịp các tiêu chuẩn cái đẹp ngày càng cao trên mạng xã hội.
Nhiều nguời đang quá lạm dụng các ứng dụng chỉnh ảnh (Ảnh tư liệu) |
Tuy vậy, có nhiều người trẻ hiện tại đang quá lạm dụng những ứng dụng này trong mọi hoàn cảnh. Mặt trái của chuyện này khiến đa phần là các cô gái trẻ ngày càng tự ti về ngoại hình, nghĩ mình không hoàn hảo hay thậm chí là xấu xí.
Kể từ khi bắt đầu được phép sử dụng smartphone từ 3 năm trước, Nguyễn Hải Anh (19 tuổi, sinh viên 1 trường đại học tại Hà Nội) đã ngay lập tức tải các ứng dụng làm đẹp, chỉnh sửa ảnh về chiếc điện thoại của mình. Những ứng dụng này nhanh chóng trở thành một phần thiết yếu và chiếm số lượng lớn trong tất cả ứng dụng trên điện thoại của cô bạn.
Có nhiều người trong điện thoại chỉ có ứng dụng chỉnh sửa ảnh để phục vụ sống ảo |
“Chỉ 5 giây, khuôn mặt rồi màu da của người dùng sẽ trở thành tỉ lệ vàng mà ai cũng ao ước nên mình cứ dùng thôi. Thú thật là từ trước đến giờ, mình chưa bao giờ đăng một tấm ảnh mặt mộc nào lên mạng xã hội cả. Mình sợ mọi người sẽ không like, tương tác ảnh cho mình”, Hải Anh cho biết.
Còn Trần Phương Linh (18 tuổi, người dùng mạng xã hội) cho biết, trong lúc lướt mạng xã hội, Linh không khỏi ghen tị với lối sống giàu có và thân hình đẹp của những sao mạng nổi tiếng. Cảm giác tự ti ấy đã góp phần khiến cho cô gái trẻ muốn nhanh chóng có thể được nhiều người chú ý đến. Filter làm đẹp chính là điều đầu tiên cô bạn trẻ nghĩ đến.
Nhiều người dù đã có vẻ ngoài ưa nhìn nhưng vẫn thường xuyên lạm dụng việc sử dụng các filter chỉnh ảnh |
“Mình thường tự chỉ trích, hạ thấp bản thân khi nghĩ rằng: “Làm thế nào để những sao mạng ấy lại nổi bật như vậy trong khi mình thì không thể. Người ta đẹp sẵn rồi mà còn sử dụng các ứng dụng chỉnh ảnh thì mình cũng sử dụng. Khi mình dùng các app này và đăng ảnh lên, bạn bè trên mạng xã hội toàn dùng những lời khen có cánh thôi”, Phương Linh nói.
Đừng tự cuốn vào “cuộc sống ảo”
Chưa cần nhiều những bằng chứng khoa học, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra tác hại của những ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh. Những bức ảnh đã qua chỉnh sửa trên mạng xã hội đã “thúc đẩy một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần” và tạo ra “cái nhìn sai lệch” về vẻ đẹp.
Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh dần dần đã mất đi giá trị ban đầu, thay vào đó là tạo ra các tiêu chuẩn sai lệch về cái đẹp |
Cuộc sống hiện đại với những sự thay đổi, tiếp xúc, giao thoa cùng văn hóa hiện đại khiến cuộc sống của chúng ta trở nên trực quan hơn. Từ đó, áp lực phải có một cơ thể hoàn hảo càng gia tăng. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, những người tiếp xúc nhanh nhất với công nghệ và các trào lưu luôn có cảm giác thất bại và xấu hổ.
Nhiều người lo lắng về hình ảnh cơ thể, những ứng dụng chỉnh sửa đang gây thêm áp lực và đưa ra thông điệp rằng khuôn mặt và cơ thể của bạn cần thay đổi. Đó chính là lý do khiến nhiều bạn trẻ dùng filter để chỉnh ảnh cho đẹp hay thay thế, làm mới các bộ phận trên cơ thể sao cho thật “hoàn hảo”.
Hãy để các ứng dụng chỉnh sửa ảnh chỉ là trò chơi và niềm vui thay vì trở thành các thước đo giá trí |
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thảo Nguyên cho rằng, chúng ta cần phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc khi người trẻ hiện tại đang bị cuốn vào vòng xoáy hào nhoáng của những giá trị ảo.
“Lạm dụng các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh không đơn giản chỉ là niềm vui hay là một trò chơi khi ngày càng có nhiều nguời dùng ở độ tuổi dưới vị thành niên. Mọi người lạm dụng các ứng dụng này để sống ảo, khoe vẻ đẹp không thuộc sở hữu của mình thì tiêu chuẩn về vẻ đẹp sẽ bị sai lệch.
Chúng ta nên để mọi thứ tự nhiên nhiều nhất có thể. Khi đó, việc so sánh bản thân với người khác sẽ không còn là vấn đề tâm lý đè nặng lên suy nghĩ và cuộc sống của mỗi người”, chuyên gia Thảo Nguyên chia sẻ.