Người trẻ mùa giãn cách, nhiều áp lực và nỗi lo
Giãn cách thời 4.0 - khi công nghệ trở thành cứu cánh của giới trẻ Người trẻ Hà Nội nói gì về phương thức phát phiếu đi chợ? Gia đình trẻ “giữ lửa” trong những ngày giãn cách xã hội |
Mất việc, có công việc nhưng không hề yêu thích, khối lượng công việc nhiều đột biến do phải làm việc tại nhà, bí bách vì cảm thấy bị mất kết nối, không thể sáng tạo do mất cảm hứng… đó chỉ là một số ít những vấn đề mà người trẻ gặp phải trong những ngày giãn cách dài.
Sau khi vừa hoàn thành công việc dở dang vào lúc 1h30 sáng, Ngọc Huyền ăn những miếng cơm đầu tiên sau một ngày dài làm việc. Cứ ngỡ rằng khi thành phố giãn cách và chuyển sang hình thức làm việc tại nhà (WFH - work from home), mọi thứ sẽ dễ thở hơn nhưng hoá ra với không ít người, đây lại là một cơn ác mộng thật sự.
Áp lực tâm lý đang đè nặng lên vai cô gái trẻ Ngọc Huyền |
Suốt khoảng thời gian một tháng qua, Huyền phải làm việc tại nhà. Công việc bận bịu đến nỗi, cô gái sinh năm 1997 không có nổi thời gian để tự nấu những bữa cơm cho mình. Sếp và đồng nghiệp vì biết Huyền chỉ làm việc tại nhà nên thường xuyên "tiện tay" giao thêm vài ba đầu việc.
Khối lượng công việc lớn khiến Huyền lúc nào cũng bận rộn |
“Đúng là ở nhà làm việc thì sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển, lại đỡ kha khá tiền cho những khoản như ăn uống, xăng xe nhưng cũng chính vì thế mà ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân của mình nhạt nhòa dần. Nếu đi làm như bình thường, 5 giờ chiều bước ra khỏi văn phòng là phần nào nhẹ gánh, thư thái đầu óc thì giờ đây văn phòng là nhà mà nhà cũng là văn phòng. Điều này vừa gây áp lực, vừa mệt mỏi”, Huyền chia sẻ.
Khánh Toàn (26 tuổi) là nhiếp ảnh gia trẻ có tiếng tại Hà Nội. Từ khi theo đuổi sự nghiệp cầm máy, Toàn đã trở thành tên hot trong cộng đồng nhiếp ảnh với những bộ ảnh đầy sáng tạo và mang tính nghệ thuật cao. Để có được những khung hình chất lượng đó, Toàn đã đặt chân đến rất nhiều vùng đất, hòa mình cảm nhận thiên nhiên và văn hóa tại điểm đến.
Cứ tưởng hành trình sẽ đầy hứa hẹn với những dự án lớn vừa ký hợp đồng, công việc Toàn không may rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác giãn cách xã hội. Vốn có sẵn một vài vấn đề tâm lý trước đó nên khoảng thời gian này càng như một cú giáng mạnh khiến anh chàng lảo đảo, mất phương hướng.
Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Khánh Toàn đang có một khoảng thời gian đầy khó khăn |
Từ việc chụp hình hàng ngày để giải tỏa tâm lý và "tâm sự" với mọi người qua những bộ ảnh thì nay chàng trai không thể tiếp tục công việc của mình, thậm chí không được đặt chân ra ngoài. Khả năng sáng tạo, cảm quan nghệ thuật và những mạch cảm xúc bên trong đóng băng theo. Trong khi những đồng nghiệp tìm tòi để tiếp tục đam mê thì Toàn như một người vô hồn, loanh quanh trong nhà, chỉ biết thẫn thờ trên sofa và nhìn chằm chằm vào chiếc tivi.
"Tất cả thiết bị chụp, mình cất hết trong tủ, giấu sau chồng quần áo. Mình không đụng vào máy ảnh mấy tháng nay, thuê bao Adobe (phần mềm chỉnh sửa ảnh trả phí) vẫn tính tiền đều hàng tháng nhưng mình không hề đụng vào chiếc máy tính.
Khi nhìn thấy mọi người vẫn làm việc, cảm giác nghi ngờ bản thân bị cộng hưởng tăng lên nhiều lần. Mình hầu như không lên mạng xã hội trong thời điểm này để tránh những suy nghĩ tiêu cực", Toàn tâm sự
Hàng ngày, Toàn chỉ quanh quẩn bên chiếc Tivi và ghế sofa |
Hai người bạn trên có lẽ không phải là những trường hợp hiếm hoi cho việc người trẻ gặp phải nhiều vấn đề tâm lý trong khoảng thời gian này. Ai cũng cố gắng tỏ ra ổn nhưng dù ít hay nhiều, mỗi người đều có những rào cản tâm lý không biết chia sẻ cùng ai.
Chuyên gia tâm lý Võ Việt Anh chia sẻ: "Một lời khuyên chân thành dành cho mọi người là hãy lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Lúc nào cảm thấy quá mệt thì nên dừng lại nghỉ, đừng ép bản thân phải quá sức nếu không muốn hối hận về sau.
Áp lực tâm lý đối với người trẻ trong thời điểm hiện tại là vô cùng lớn. Những người trẻ cần phải biết giữ mình. Các bạn hãy dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện với mọi người và tìm kiếm những nguồn năng lượng tích cực. Thử thay đổi một số thói quen sinh hoạt và trải nghiệm những điều mới cũng là sự lựa chọn cho bạn hay đơn giản, việc chấp nhận sự tiêu cực cũng chính là một trải nghiệm tích cực”.
Đừng để áp lực cuộc sống điều khiển bạn, bắt bạn cuốn theo guồng quay của nó. Giữ cho bản thân “một cái đầu lạnh” để biết mình đang theo đuổi điều gì và không đánh mất chính mình. Hãy giữ cho mình “một trái tim nóng” cùng lửa nhiệt huyết để đối mặt với những áp lực, biến áp lực thành động lực vươn tới giấc mơ của bản thân.