Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Một lần hàn huyên cùng bạn nối khố thuở chăn trâu, cắt cỏ, nó bảo tôi rằng: Mày học cho lắm vào cũng thế thôi. Tính mày thẳng, ngang, hay cãi lãnh đạo, hay phản biện tập thể như thế ai cho mày lên, ai bỏ phiếu cho mày… Ở ta nguyên tắc số đông luôn luôn là cần thiết, mày chỉ phù hợp làm luật sư thôi, không làm được chính trị. Chính trị người ta phải mềm dẻo, biết im lặng, biết chờ thời cơ và chớp lấy thời cơ…
Tôi chợt nghĩ phải chăng cách sống của mình bấy lâu nay đã sai và không quên đáp trả: Trên đài, báo người ta đang nói, đang bàn về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm rất nhiều đó thôi.
Bạn tôi nói vậy chứ thực tế có mấy người như vậy, cũng như hàng trên tivi cơ bản giá khi nào cũng rẻ… Ra về lòng buồn mênh mang nhưng với tinh thần của người đảng viên lâu năm, tôi không thể tin rằng lời bạn tôi nói là sự thật được. Nhất định phải tìm cho được cán bộ dám nghĩ, dám làm để cho dân đỡ khổ, cho dân phải giàu, cho nước phải mạnh.
Những cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc với những đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp; Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển… sẽ tiếp tục xuất hiện.
Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Như vậy, không phải ngày nay chúng ta mới đánh giá cao vai trò công tác cán bộ mà từ rất lâu Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng công tác lựa chọn cán bộ.
Chúng ta hiểu rằng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ luôn có khát vọng đổi mới, có tầm nhìn khác người, dám quyết định, dám hành động trong nhiều rào cản, vướng mắc và đặc biệt là bản lĩnh kiên cường của người đảng viên là dám chịu trách nhiệm với việc mình làm nếu bị kỷ luật, bị cách chức thậm chí chịu tù đày nếu vì lợi ích chung và sự trong sáng của bản thân. Đó là thực tế, là tiêu chí lựa chọn. Giải pháp nào để tìm ra những con người đang tồn tại nhưng ẩn nấp đâu đó có lẽ việc đầu tiền thuộc về chính sách thu hút cán bộ, khơi dậy tiềm năng và hành lang bảo vệ nhân tài dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đầu tiên phải có những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Ở đâu có những con người như vậy? Cán bộ từ dân chúng mà ra, trong Nhân dân nuôi dưỡng rất nhiều người như vậy. Vấn đề là chính sách thu hút, tuyển dụng của ta đã đủ sức hấp dẫn, đã thực sự chọn đúng người tài, đã đúng người tài lựa chọn người tài, người liêm chính lựa chọn người liêm chính cho bộ máy Nhà nước. Đó mới là mấu chốt của vấn đề. Trong công tác tuyển dụng, chúng ta đã thực sự thi tuyển nghiêm túc, công khai, minh bạch để lựa chọn cán bộ theo thứ hạng hay ở đâu đó vẫn là hình thức, vì hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đệ tử?
Bởi xưa nay, chúng ta cũng biết người bản lĩnh như đang đề cập đâu có chịu nịnh bợ, đâu có chịu khuất phục, hay chịu mua chuộc… Muốn có những con người như vậy ắt phải có một thế hệ cán bộ có cùng quan điểm và lẽ sống. Phải làm sao trong xã hội người gù đúng là người có tật, không thể người thẳng là người có tật trong thế giới người gù.
Tôi nghĩ trong bộ máy Nhà nước ta không ít những cán bộ có tiêu chuẩn đảm bảo như vậy. Tuy nhiên, phải làm sao đánh thức, khích lệ họ hành động trong công việc mỗi ngày.
Phải có hành lang pháp lý bảo vệ người tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Đảng đã nhìn ra những hạn chế về công tác cán bộ, luôn quan tâm và định hướng rõ ràng. Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" ban hành ngày 22/9/2021 (Kết luận số 14) không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn bảo vệ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.
Đến nay, Chính phủ cũng đã Dự thảo Nghị định về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sắp được ban hành. Như vậy, hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ sẽ có trong thời gian tới. Điều chúng ta mong chờ vẫn là những cán bộ có tư tưởng, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước như một phong trào có tính thường xuyên liên tục.
Cần khuyến khích, đãi ngộ người tiên phong đổi mới
Là con người, ai cũng thích được khen, thích được thưởng, thích được ghi nhận sự đóng góp của cá nhân mình. Tôi nghĩ bên cạnh công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực cũng cần phải nghiên cứu những chế độ chính sách phù hợp, xứng đáng, bố trí đúng người, đúng việc để phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công cuộc đổi mới này. Như thế, tôi tin rằng những linh hoạt trong điều hành, quản trị quốc gia sẽ ngày càng phù hợp hơn để đất nước ta ngày càng phồn thịnh.