Cần "đối xử" công bằng hơn với doanh nghiệp ngành bia
Doanh thu sụt giảm đáng kể
Ngược dòng thời gian, ở thời kỳ hoàng kim, ngành đồ uống, nòng cốt là ngành hàng bia có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công văn việc làm cho xã hội cũng như nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Trước năm 2019, Việt Nam từng lọt vào top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là top 9 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, các "đại gia" bia ở Việt Nam đều ghi nhận sụt giảm đáng kể trong doanh số bán hàng.
Theo thống kê, ngành bia, rượu đóng góp lớn ngân sách tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các địa phương. Các nhà máy sản xuất bia với thương hiệu Sài Gòn, Hà Nội quen thuộc được phân bổ hầu hết các tỉnh, thành.
Sau thời gian thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, bồi thêm bất ổn địa chính trị thế giới và tác động bất lợi do ảnh hưởng của một số chính sách liên quan, đáng kể là Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp trong ngành bia thất thu vì sản lượng, doanh thu sụt giảm đáng kể.
Được biết, trong giai đoạn này, sản lượng ngành bia giảm còn 4,3 - 4 tỷ lít, tăng trưởng âm lần lượt là - 5% và - 7%.
Đáng nói, khi hậu quả để lại từ đại dịch COVID-19 còn chưa qua thì những khó khăn mới lại ập đến do nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt đến các chi phí sản xuất kinh doanh như bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển ở mức cao và biến động thất thường... khiến ngành bia lại nặng mối lo.
Minh chứng đơn giản nhất là 2 "đại gia" ngành bia của Việt Nam cũng đã trải qua 3/4 chặng đường của năm 2023 hết sức khó khăn khi đều sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, kết thúc 9 tháng năm 2023, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.632 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 376,5 tỷ đồng, giảm 32,7%.
Tương tự, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cũng ghi nhận doanh thu 21.940 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 3.170 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, lần lượt giảm 12% và 24% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Công bằng ngay từ chính sách thuế
Khó khăn bủa vây tứ bề, song các doanh nghiệp ngành bia lại đang lo ngại làn sóng tiếp theo đó là thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã chỉ ra những bất cập lớn của việc xác định thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp và cách tính này không đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp.
Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35 - 65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cho rằng việc tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng nhất là rượu, bia tăng nhanh nên cần tăng thuế để kiểm soát.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đều nhất trí lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép theo từng giai đoạn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả doanh nghiệp.
Theo VAFI, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp, các doanh nghiệp không thắc mắc phần tính thuế theo tỷ lệ % vì nó đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, họ không thể chấp nhận mức thuế tuyệt đối được tính như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ dù bia có giá trị cao hay thấp, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhanh chóng phá sản vì phải chịu mức thuế tuyệt đối quá cao so với giá bán.
Do mức thuế tuyệt đối được áp dụng như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ, nên dù giá sản phẩm chênh lệch giữa các hãng thì công ty sản xuất bia cao cấp và cận cao cấp, doanh nghiệp đầu ngành thống lĩnh thị trường có thể hưởng lợi từ cơ chế này.
Trong khi đó, công ty sản xuất bia vừa và nhỏ, đa phần là các doanh nghiệp Việt lại ít lợi thế cạnh tranh hơn, sẽ gặp khó khăn lớn nếu chính sách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi sang phương pháp hỗn hợp.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hiện có các luồng ý kiến đề xuất Việt Nam nên nghiên cứu, áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp đối với các sản phẩm rượu bia như một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng.
Mặc dù vậy, cần lưu ý là thị trường rượu, bia của Việt Nam có những đặc điểm khác biệt so với các quốc gia trên thế giới, vì vậy việc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế như thế nào cũng phải được nghiên cứu, tính toán cẩn trọng và đánh giá kỹ lưỡng để ít gây ảnh hưởng nhất đến các doanh nghiệp nhưng đạt được mục tiêu chính sách.
Theo TS Võ Trí Thành, đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu sâu về sự phù hợp của mức thuế và phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu ở Việt Nam.
Do đó, trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vị chuyên gia cho rằng nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối như hiện nay và chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu cho đến năm 2025 để hỗ trợ doanh nghiệp và thời điểm xem xét tăng thuế có thể là năm 2026 với mức tăng khoảng 5 - 10%.