“Cần huy động nguồn lực để khai thác tiềm năng du lịch từ sông, hồ ở Hà Nội”
Hồ Tây là khu vực tiềm năng rất lớn, đặc biệt về văn hóa Du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế tại Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 |
Ảnh minh họa |
“Mỏ vàng” từ hệ thống sông hồ tự nhiên của Hà Nội
- PV: Thưa ông, theo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng được xác định là trục xanh, cảnh quan của trung tâm. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển chung của thành phố?
- TSKH Đào Ngọc Nghiêm: Với vai trò là Thủ đô, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch. Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, Chính phủ. Mới đây, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã định hướng phát triển Hà Nội xứng tầm đô thị hiện đại, có vị thế ở khu vực và thế giới; mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Về vấn đề quy hoạch, sinh thời, Bác Hồ đã luôn định hướng, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, tránh phá đi, làm lại. Năm 1959, lần quy hoạch đầu tiên của Hà Nội, Bác đã nhấn mạnh vấn đề trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội, thành phố phải có nhiều cây xanh.
Từ đó đến nay, Hà Nội trải qua nhiều lần quy hoạch phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Đến giờ, sau khi có Luật quy hoạch năm 2017, Hà Nội đang triển khai quy hoạch giai đoạn 2021-2030.
Một trong những yêu cầu của quy hoạch là đánh giá, phát triển, định hướng và mỗi lần đều có giải pháp khác nhau nhưng luôn kế thừa kết quả của quy hoạch giai đoạn trước.
Quy hoạch lần này sáng tạo và được nâng tầm ở chỗ, Hà Nội vừa nghiên cứu lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 theo kiểu tích hợp, vừa điều chỉnh quy hoạch chung, vừa thực hiện chương trình phát triển du lịch, vừa đưa 7 huyện lên thành quận, xây dựng mô hình mới “Thành phố trong Thủ đô” phù hợp với sự phát triển đô thị trên thế giới.
TSKH Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh Thái Sơn |
Với quy hoạch giai đoạn 2021-2030, 3 trục không gian quan trọng được đề cập gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây – Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh...
Đây không phải là lần đầu chúng ta đặt ra vấn đề trục sông Hồng mà trước đó, sau năm 1975, đã có tới gần 20 quốc gia quan tâm và đề xuất phát triển 2 bên sông Hồng nhưng vướng hành lang thoát lũ của vùng ĐBSH nên chưa thực hiện được. Gần đây nhất, chúng ta đã điều chỉnh hành lang thoát lũ, nên chủ trương này quyết liệt hơn. Hơn nữa, trước đây, sông Hồng bên phía Đông thành phố nhưng sắp tới, thực hiện mô hình “Thành phố trong Thủ đô”, một số huyện lên quận, thì sông Hồng trở thành trung tâm. Do vậy, chúng ta đã nâng tầm quy hoạch, sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội.
Bên cạnh đó, với những yếu tố văn hóa, truyền thống, lịch sử lâu đời, minh chứng cho Hà Nội có quá trình phát triển lâu dài hơn các Thủ đô khác, chúng ta có trục mới Ba Vì – Hồ Tây, và Hồ Tây nối với Cổ Loa… Hà Nội cũng sẽ có những hành lang xanh liên quan đến các dòng sông như sông Nhuệ, để kết nối đường vành đai với trục trung tâm; có hệ thống sông, hồ gắn với lịch sử văn hóa ngàn năm của Thủ đô. Đây chính là tiềm lực to lớn của Hà Nội để phát triển du lịch.
Các hoạt động văn hóa ở Hồ Văn đã phát huy giá trị của tổng thể Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
- PV: Thưa ông, Hà Nội đang từng bước khai thác giá trị từ cảnh quan mặt nước hồ ở Hà Nội, điển hình như chúng ta có phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Văn gắn với khu di tích Văn Miếu. Hướng khai thác như hiện nay đã hợp lý chưa?
- TSKH Đào Ngọc Nghiêm: Tính đến nay, trong nội đô thành phố có gần 120 hồ trong đó có 4 hồ lớn, với diện tích gần 1700ha. Ở ngoại thành, 80 hồ diện tích 6000ha. Như vậy tổng cộng, diện tích mặt nước hồ ở Hà Nội là hơn 7000ha. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng này.
Những hồ nước này không chỉ góp phần tạo nên cảnh quan xanh, thoát nước mà còn mang yếu tố văn hóa. Điển hình như hồ Tây, xung quanh đó có tới 64 di tích, trong đó có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với giá trị văn hóa, lịch sử cao như: Chùa Trấn Quốc, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ… và nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như nghề làm giấy ở An Thái, Bưởi, nghề nuôi tằm ở Nhật Chiêu, nghề đúc đồng ở Ngũ Xã…
Từ thời Pháp, chính quyền đô thị lúc đó đã đặt ra mục tiêu khai thác mặt nước hồ Tây một cách có hiệu quả, trở thành vui chơi, giải trí trên mặt nước, thậm chí họ đặt ra yêu cầu là tạo ra thủy phi cơ và đua thuyền trên hồ Tây. Trong định hướng phát triển Hà Nội gần đây cũng như trong quy hoạch được duyệt vào năm 1992, năm 1998, năm 2011 đều xác định hồ Tây là khu vực cảnh quan thiên nhiên đặc biệt mang đậm tính chất văn hóa, truyền thống của TP Hà Nội.
Những năm gần đây, phải thừa nhận, dù đã nỗ lực quản lý nhưng việc phát triển du lịch ở Hồ Tây vẫn chưa xứng với tiềm năng. Vấn đề hiện tại là cần huy động đầy đủ nguồn lực về con người, về tài chính để sao cho hồ Tây trở thành danh thắng thực sự có sức hút nổi bật, tạo nguồn lợi về kinh tế du lịch, dịch vụ cho Thủ đô.
Cần nguồn lực, chính sách ưu đãi
- PV: Ông nhìn nhận ra sao về việc phát triển các dịch vụ du lịch và tận dụng cảnh quan đối với hệ thống sông ở Hà Nội?
- TSKH Đào Ngọc Nghiêm: Thực tế, trong định hướng phát triển, Hà Nội đã chú trọng khai thác giá trị mặt nước trên dòng sông. Ví dụ, đối với 2 bên sông Hồng, chúng ta từng có quy hoạch giao thông đường thủy, có tour du lịch trên sông để ngắm cảnh quan, phát triển du lịch tâm linh. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội gần 120km, riêng 40 cây số qua trung tâm, đã có tới hơn 20 di tích có ý nghĩa, gắn với văn hóa lâu đời. Nếu khai thác các bãi bên sông như bãi Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương… với diện tích khoảng 2000ha thành điểm du lịch thì vô cùng lợi thế. Chẳng hạn, tại khu vực bãi bồi ven sông, có thể tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh, khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch.
Nhìn từ quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, còn có thể thấy nếu khai thác tốt, sông Hồng còn góp phần giải tỏa giao thông đường bộ trong nội thành. Điều này từng đặt ra trong rất nhiều dự án song đều vướng mắc về phân công, phân cấp và chính sách ưu đãi đầu tư…
Hiện du lịch sông Hồng mới chỉ khai thác được một lượng khách khiêm tốn |
- PV: Vậy theo ông, trước mắt, để có thể mang lại giá trị kinh tế từ hệ thống sông hồ tự nhiên của Hà Nội, chính quyền phải làm gì?
- TSKH Đào Ngọc Nghiêm: Muốn khai thác dòng sông Hồng, phải giải quyết vấn đề mực nước sông Hồng. Phải làm thế nào để ở mức nào cũng khai thác được, rồi kết nối với các bãi bên trong như thế nào, bằng cáp treo hay du thuyền.
Đối với sông Tô Lịch, Kim Ngưu mang rất nhiều yếu tố văn hóa, muốn khai thác được phải làm sạch nhưng không thể chỉ làm sạch một đoạn. Các hồ nước cũng cần phải được chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường, thậm chí còn phải làm mới một số hồ để đảm bảo chống úng ngập. Hà Nội quan tâm đến vấn đề khai thác, phát triển du lịch từ sông hồ nhưng chưa thực sự quyết liệt.
Muốn làm triệt để, phải có chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực, hợp tác công – tư hiệu quả.
Hy vọng, với những điều chỉnh về quy hoạch giai đoạn 2021- 2030 cùng Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, những vấn đề trên sẽ được giải quyết triệt để, để Hà Nội xứng tầm một đô thị hiện đại trong khu vực và trên thế giới.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!