Cần một cuộc "đại phẫu" để loại bỏ "con sâu" trong lĩnh vực y tế
|
Nhức nhối vấn nạn mua sắm thiết bị y tế
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan; Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cùng 5 bị can khác.
Ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương (trái) và ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cùng 5 người khác vừa bị khởi tố điều tra nâng khống vật tư xét nghiệm COVID-19 |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Các đối tượng trong vụ án đã vi phạm pháp luật trong việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho việc xét nghiệm làm giá cả đầu vào tăng cao, người xét nghiệm phải trả chi phí rất lớn. Đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp để phạm tội là hành vi rất đáng lên án, đây cũng là hành vi tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Việc Cơ quan điều tra Bộ Công an phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm như thế này là rất cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội và giảm bớt những tiêu cực trong hoạt động đấu thầu. Thời gian qua, một số cán bộ trong ngành Y tế đã bị khởi tố cùng với một số công ty cung cấp thiết bị cho thấy vấn đề mua sắm thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện công, cơ sở y tế đã trở thành vấn nạn nhức nhối.
Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi bất chính, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt đã chi % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyển, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc đưa nhận tiền trong những tình huống như thế này có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự và tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không để tiếp tục xử lý các đối tượng về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
Các bị can Vũ Đình Hiệp, Hồ Thị Thanh Thảo, Phan Tôn Noel Thảo, Trần Thị Hồng và Nguyễn Mạnh Cường |
Thông tin từ cơ quan điều tra cho thấy đã có sự thông đồng giữa doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế đối với lãnh đạo ngành Y tế ở địa phương để doanh nghiệp được chỉ định thầu, bán số vật tư y tế với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, làm tăng giá xét nghiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là có cơ sở.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật được các đối tượng thực hiện như thế nào, vai trò của từng đối tượng và hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể; Đồng thời thu giữ các tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Tất cả các tài sản do phạm tội mà có và thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ.
Với hành vi, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cho Nhà nước số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên thì các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và một số "quan chức"
Khi được hỏi về các quy định trong việc chỉ định thầu, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho biết: Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 quy định chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; Gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật Nhà nước; Gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách; Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo...
Như vậy, theo quy định của Luật Đấu thầu thì các gói thầu "mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách" sẽ tiến hành chỉ định thầu chứ không tổ chức đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, việc chỉ định thầu cũng phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công khai, minh bạch, công bằng.
Tiến sĩ luật học Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp |
“Trong vụ án này, các đối tượng đã cấu kết với nhau để nâng khống giá vật tư y tế khiến Nhà nước phải chi một số tiền rất lớn mới mua được lượng hàng hóa như vậy. Đồng thời, vụ việc khiến hoạt động xét nghiệm đối với người dân bị nâng giá, thiệt hại xảy ra đối với xã hội rất lớn. Bởi vậy, mức hình phạt đối với các bị can trong những vụ án như thế này sẽ rất nghiêm khắc.
Ngoài ra, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, người có vai trò chính có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Các bị can thực hiện vai trò giúp sức tích cực, hưởng lợi lớn cũng sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc”, Luật sư Cường nhận định.
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mở rộng điều tra đối với các địa phương khác, để làm rõ các sai phạm có liên quan của các bị can, giải quyết vụ án một cách triệt để, công bằng, đúng pháp luật.
Quá trình điều tra nếu có căn cứ cho thấy các đối tượng còn thực hiện các hành vi vi phạm như đưa hối lộ, nhận hối lộ, rửa tiền, trốn thuế... thì sẽ tiếp tục khởi tố thêm các tội danh khác và xử lý đối với các những người vi phạm theo quy định của pháp luật.
CDC Hải Dương - nơi xảy ra vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng |
“Vụ án này một lần nữa cho thấy có một số doanh nghiệp “sân sau” đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, làm suy thoái đạo đức của cán bộ, gây giảm sút niềm tin của Nhân dân. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Sau rất nhiều vụ án xảy ra trong việc mua sắm thiết bị y tế cho thấy đã đến lúc phải thực hiện một cuộc "đại phẫu" trong lĩnh vực y tế để sàng lọc, loại bỏ các bác sĩ thiếu y đức, thiếu chuẩn mực để đảm bảo tốt hơn chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, an toàn cho cộng đồng, xứng đáng nghề thầy thuốc được xã hội kính trọng”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường kiến nghị.