Cảnh báo rủi ro mua bất động sản đồng sở hữu tại Bình Dương
Bình Dương quy định diện tích tối thiểu được tách thửa Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản |
Thời gian qua, tình trạng gom đất tách thửa, phân lô, bán nhà sổ chung, xây dựng trái phép diễn ra tràn lan trên địa bàn huyện Tân Uyên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch sử dụng đất, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân.
Chính quyền Bình Dương đã khuyến cáo người dân khi mua nhà, đất phải tìm hiểu kỹ tính pháp lý của nhà, đất dự kiến giao dịch. Người dân cần liên hệ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin chính xác về nhà, đất trước khi thực hiện giao dịch.
Khu nhà tại phường Thái Hoà đang được chào bán công khai |
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 41/2022 phân cấp quản lý trật tự xây dựng cho địa phương. Quyết định này cũng quy định xử lý cá nhân có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng nhưng không kịp thời kiểm tra, xử lý việc xây dựng vi phạm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, trên địa bàn Bình Dương vẫn tồn tại có nhiều lô đất, căn nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch... vẫn được chào bán thông qua vi bằng. Đây là miếng mồi mà các đối tượng môi giới đưa ra để chiêu dụ người mua đi bán lại hoặc người có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở. Thực tế đã có không ít người mua tin lời của "cò" rằng mua nhà đất qua vi bằng do thừa phát lại lập là bằng chứng pháp lý cho giao dịch.
Mới đây, tại địa bàn phường Thái Hoà, thành phố Tân Uyên, chúng tôi đã ghi hàng loạt căn nhà xây dựng liền kề đang được chào bán công khai.
Ghi nhận thực tế, tổng diện tích khu đất trên khoảng hơn 4500m2, 5 dãy nhà đang được xây dựng, các căn được xây dựng liền kề, thiết kế giống nhau. Diện tích cho mỗi căn khoảng 45 đến 60 m2. Hiện, loạt nhà ở đây đã xây dựng gần như đã hoàn thiện.
Theo môi giới tên T, các căn hộ tại đây có giá từ 1,1 tỉ đồng đến 1,5 tỉ đồng. Khi quyết định mua, khách hàng đặt cọc trước 100 triệu đồng, sau 1 tháng tiến hành thanh toán phần còn lại.
Thấy chúng tôi băn khoăn về pháp lý, người này cho biết, khu nhà này không ra được GCNQSDĐ (sổ đỏ). Nếu người mua đồng ý, môi giới T sẽ mượn sổ đỏ của chủ lô đất lớn, kèm theo các giấy tờ liên quan để yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng mua bán.
Liên quan đến nội dung này, luật sư Võ Ngọc Rin (Đoàn Luật sư Bình Dương) khẳng định việc mua nhà đất thông qua vi bằng là không hợp pháp, bởi nguyên tắc của việc mua bán nhà đất là phải qua công chứng, còn vi bằng chỉ một hình thức mua bán giấy tay có người làm chứng.
Luật sư Võ Ngọc Rin khẳng định việc mua nhà đất thông qua vi bằng là không hợp pháp. (Ảnh minh hoạ) |
Luật sư Võ Ngọc Rin cho biết: “Theo quy định của luật Nhà ở, luật Đất đai việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ phòng công chứng…); sau đó đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện”.
Luật sư cảnh báo việc người dân mua nhà liền kề hay nhà đất thông qua vi bằng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường; Bởi thực hiện nhiều lần, qua nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa có pháp lý đầy đủ, chưa đúng quy định. Nguy hiểm hơn, có chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi tài sản đã thế chấp ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy viết tay).