Tag

Cánh én báo mùa xuân

Văn học 23/01/2023 10:10
aa
TTTĐ - Những con chim én chao liệng reo vui trên bầu trời đầy mây xám, lòng tôi cũng bật lên những tiếng ngân nga: “Mùa xuân sắp về rồi”.
Bà Rịa - Vũng Tàu trào dâng sức sống đón chào xuân mới

Ngày bé, bước vào tháng Chạp, cái rét cứ như cô đặc dần. Rét se rét sắt. Rét đến nỗi mặt đất dưới chân cũng co mình lại, rắn đanh, bạc phếch. Tôi học buổi chiều, 8 giờ sáng khó khăn lắm mới tung chăn dậy được. Sáng nào tôi cũng đi theo con đường mòn trơ nhẵn, bạc phếch, rắn đanh ấy men từ giếng ra vườn để… học bài.

Mùa xuân đến mang theo biết bao niềm vui và hi vọng (Ảnh minh họa)
Cánh én báo mùa xuân đến, mang theo biết bao niềm vui và hi vọng (Ảnh minh họa)

Cứ ngồi trên đôi chân trần chỉ đi độc một đôi dép sứt sẹo, tôi ngóng lên cái chạc ba của cây doi nơi có con chuột vô tư đong đưa ở đó. Nhưng rồi tôi nghĩ mình không thể là con chuột vì nó… khá bẩn.

Tôi tưởng tượng mình là cô bé tí hon bị lạc vào hang chuột như trong truyện cổ tích nước ngoài. Ở đó, cô bé cứu sống con chim én bị cóng. Suốt cả mùa đông giá rét tôi và con chim én làm bạn của nhau vì thực ra chúng đã quen nhau từ mùa hè, khi chim hót cho cô bé nghe bằng tiếng chiêm chiếp của mình.

Khi mùa xuân đến, chim én bay vút lên bầu trời cao rộng với những ánh nắng chan hòa yêu thích của nó. Để chạy trốn khỏi đám cưới với chuột chũi, cô bé tí hon đã theo chim én bay về phương Nam tránh rét khi mùa đông đến.

Tôi mơ màng tưởng tượng mình như đang ở trên lưng chim én, bay qua khắp núi sông ruộng đồng với những cảnh tượng huy hoàng, ánh nắng chói lọi, bầu trời lồng lộng cao, tới nơi “dưới bóng cây xanh, gần một dải hồ nước xanh biếc, sừng sững mọt toà lâu đài cổ bằng cẩm thạch trắng. Nho và cây trường xuân leo kín các cột. Chim én làm tổ trên một cái cột ấy”.

Cánh én báo mùa xuân

Cứ thế, cuốn vở cuộn tròn trong đầu gối, hai chân tê buốt vì cóng. Tôi đã bị ghi sổ đầu bài vì không trả lời được câu hỏi kiểm tra bài cũ.

Khi nước sông diu diu chảy xuôi với cơn gió nồm nam, khi những cánh tầm xuân ven sông nở hồng cả vạt cỏ xanh rờn, khi tiếng mẹ, tiếng bà đã tính toán bàn bạc những món tiền dành dụm để sắm Tết, ấy là lúc những cánh én đầu tiên trở lại.

Chao ôi vỡ òa niềm vui khi nhìn lên bầu trời sáng hửng, từng đàn én dập dìu xập xè chao liệng. Có lẽ những bạn én cũng náo nức khi thấy lại quang cảnh năm xưa, như thấy cố hương sau mùa đông dài tha phương tránh rét. Từng tốp từng tốp tung tăng nhào lộn trong gió ấm, nắng ấm, báo tin nàng Xuân đã về.

Chim én về, Tết về, xuân đến, một năm mới đến. Đông tàn đã qua, một sự khởi đầu mới đầy sinh sôi nảy nở, vạn vật bừng lên sức sống chan hòa. Tôi cứ ngồi hết buổi chiều này đến buổi chiều khác dõi theo những bạn én. Ngay cả khi trên đường đi học tôi cũng ngước lên trời mê mải.

Có khi đang ngồi trong lớp, tôi bế má tưởng tượng ra mình là một trong những con chim én ấy, chu du qua bao làng mạc núi rừng đồi nương, đến xứ lạ xa xôi tránh rét, khám phá bao nhiêu miền đất trên khắp non sông mình. Rồi bỗng một ngày nghe chị gió báo cố hương nơi nứt trứng sinh ra chuẩn bị hết mùa đông, cả đàn náo nức nương theo mây trắng bay về xứ xưa, hân hoan báo niềm vui ấy đến cho khắp lượt bạn bè, nơi chốn cũ.

Cánh én báo mùa xuân

Bay tít trên trời cao, dưới cánh mình là sông núi ruộng đồng như ô bàn cờ đủ sắc màu, núi non trập trùng, tâm hồn tôi nhẹ nhõm khoan khoái vô cùng. Nếu không bị những cú đá, thúc, huých cùi trỏ của lũ bạn nhắc vì cô gọi lên bảng trả lời hay vì những bài kiểm tra cuối kì chán ngắt thì có lẽ tôi cứ ngồi thế mà mơ cho đến tận lúc tan trường.

Rồi cũng đến lúc được nghỉ Tết, mặc sức vui vùng chim én. Những ngày Tết chỉ lo ăn với chơi. Ngoài những khi ngủ, lũ trẻ chúng tôi phần lớn chơi đùa ngoài sân, ngoài đường và ở ven đồi. Thời buổi không phải nhà nào cũng có TV, cột ăng ten và cả những ngôi nhà đều rất thấp, cao hơn là những bóng cây cổ thụ. Còn lại bầu trời bao la, đứng đâu cũng có thể tưởng tượng “mặt đất như bánh chưng vuông, trời tròn như cái bát úp”.

Chỉ cần một quả bóng bay tung qua tung lại, đứa đánh đứa đón, vỡ thì thút nút chỗ đấy lại, thổi lên chơi tiếp, thế mà chúng tôi chơi suốt từ sáng cho tới tối khuya chả chán. Ngay sát trên đầu, bầy én cũng như điểm tô thêm cho không khí xuân bằng đôi cánh xập xòe và chiếc đuôi én đặc trưng của mình, chao qua chao lại đầy duyên dáng. Tưởng như trong lúc đưa tay lên đánh bóng bay tay tôi có thể chạm vào những chiếc lông đen tuyền, mềm mại, phất phơ trong gió ấm của từng con chim én.

Cánh én báo mùa xuân

Những năm tháng ấy Tết nghèo, trẻ con chỉ được một manh áo mới, một vài quả bóng bay, dăm chiếc kẹo xanh đỏ là có thể vui hết Tết. Cần gì tiền mừng tuổi nhiều hay ít, cần gì phải diện những bộ cánh đắt tiền, mâm cỗ Tết đôi khi chỉ là miếng nem miếng giò, người lớn ngượng ngùng khi khách đến nhà chẳng có gì tiếp đón chu đáo.

Trẻ con thì có những niềm vui rất nhỏ nhoi mà vô giá. Tôi thì còn có niềm vui giấu kín, ấy là những bạn én cũng như biết mình quý, mình yêu mà bất cứ tôi đi đến nơi đâu cũng đều thấy chao liệng trên đầu. Suốt cả mùa xuân mưa bụi ẩm ướt hay tháng ba nắng ấm lộc non chồi biếc chim én đều như cùng tôi mở những lễ-hội-lòng.

Năm tháng qua đi, tôi không nhớ mình có bao nhiêu buổi chiều ngồi bên bậc thềm ngóng lên trời cao nhìn đàn chim én nữa. Giấc mơ hóa cánh én giang hồ tha phương không quên cố hương cũng tự đến tự đi, như những bồng bột hoang đường của tuổi trẻ.

Khi lần đầu biết buồn vì nhìn thấy cậu bạn mình thầm thương trộm nhớ đang hẹn hò cùng người khác, trái tim tôi tan nát trong một buổi chiều thu sương giăng lạnh buốt. Lúc ấy ngẩng lên trời cao, lần đầu tiên tôi thấy những cánh én cuối cùng nhỏ nhoi quây lượn tít xa xôi đang kêu lên những tiếng bi thương. Có phải bạn én đang chia buồn cùng tôi, đang chào tôi để bay về phương Nam với lời nhắn nhủ đừng buồn nữa, sự việc trên đời như đông qua xuân sẽ nhanh tới thôi mà.

Cánh én báo mùa xuân

Quả thực như vậy, khi tôi đã nguôi ngoai vết thương lòng để tập trung vào việc học hành, ôn thi đại học với biết bao ước mơ, buổi chiều xuân nắng hoe vàng, gió nồm nam lại lồng lộng thổi, tôi bất chợt nhìn lên bầu trời, những bạn én đã trở về, chấp chới tít trên cao. Gió thổi hồn tôi nhẹ nhõm hơn hẳn.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi còn ngắm nhìn các bạn én một cách say sưa quên thời gian. Năm tháng cuốn tôi đi, học hành mải miết, môi trường mới, những ngôi nhà cao tầng, phố xá rực rỡ ánh đèn, có khi nào chợt nhìn lên trời cũng chỉ là khoảng không gian giới hạn.

Chiều nay đông ngả sang xuân, khi cơn gió mùa thổi tới, một cảm xúc mơ hồ như từ xa xôi thoảng lại, đánh thức cái gì đó xưa cũ dậy. Đang phóng xe trên đường Lê Duẩn, đoạn đi qua công viên Thống Nhất, tôi bất chợt nghe thấy tiếng chim, riu rít nhỏ bé nhưng thân quen kì lạ.

Các bạn én kia rồi. Tít trên trời cao, chỉ nhìn thấy đôi cánh xập xè chứ không thể nhìn thấy chiếc đuôi duyên dáng cắt kéo trong gió. Tôi chỉ dám mơ một lần được nhìn én chao liệng ngay trên đầu như thuở giơ tay tung quả bóng bay thơ bé ngày nào.

Tuổi càng đến, ước mơ của người ta càng ngắn lại. Khi trẻ người ta ước mơ bay theo cánh én xa xôi thì thanh xuân đi qua một nửa, người ta chỉ dám ước được sống lại dù đôi chút những ngày thơ bé mà thôi. Những bạn én chiều nay đã gọi hộ tôi về tuổi thơ trong một vài phút giây hiếm lạ.

Đọc thêm

Phát động cuộc thi sáng tác truyện tranh Việt Nam Văn hóa

Phát động cuộc thi sáng tác truyện tranh Việt Nam

TTTĐ - Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng phát động nhằm tìm kiếm các tác giả, họa sĩ và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam.
Khai mạc Hội sách thiếu nhi TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 Văn học

Khai mạc Hội sách thiếu nhi TP Hồ Chí Minh lần thứ 5

TTTĐ - Tối 31/5, tại đường sách, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khai mạc Hội sách thiếu nhi TP Hồ Chí Minh lần 5, năm 2024 với chủ đề “Vui hè cùng sách hay”.
Tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng nước Áo đến Việt Nam Văn hóa

Tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng nước Áo đến Việt Nam

TTTĐ - Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Kỉ niệm 67 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957 - 17/6/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giới thiệu sách thiếu nhi của nhà văn nước Áo nổi tiếng Mira Lobe với độc giả Việt Nam. Chương trình mong muốn kết nối giao lưu hai nền văn hóa Áo - Việt, cũng là cơ hội giới thiệu đến độc giả Việt Nam nền văn học thiếu nhi Áo qua các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Mira Lobe.
Hấp dẫn "buffet sách" cho thiếu nhi trải nghiệm mùa hè Văn học

Hấp dẫn "buffet sách" cho thiếu nhi trải nghiệm mùa hè

TTTĐ - Nhằm hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em và chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Hội sách do Đinh Tị Books tổ chức không chỉ tạo không gian vui chơi bổ ích, thiết thực và lành mạnh cho các bạn nhỏ mà còn góp phần phát triển và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Mùa hè lý thú cho thiếu nhi với Tháng sách Kim Đồng Văn học

Mùa hè lý thú cho thiếu nhi với Tháng sách Kim Đồng

TTTĐ - Chào đón Tết Thiếu nhi 1/6, mở ra một mùa hè khám phá đầy lý thú, chào mừng kỉ niệm 67 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957 - 17/6/2024), trong khuôn khổ Tháng sách Kim Đồng, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều sách mới, phong phú đa dạng thể loại dành cho trẻ em và bạn đọc trẻ.
Tìm trăng Văn học

Tìm trăng

TTTĐ - Trăng là đề tài muôn thuở, nhưng luôn mang hơi thở mới của cuộc sống con người, nhất là trong tình yêu đôi lứa. Còn mãi hình tượng đẹp trong câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”.
Theo dấu chân Bác Hồ “Từ Việt Bắc về Hà Nội” Văn học

Theo dấu chân Bác Hồ “Từ Việt Bắc về Hà Nội”

TTTĐ - “Từ Việt Bắc về Hà Nội” là tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của PGS.TS, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tác phẩm khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 5 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
Chuyện tình mùa hội sen - bức tranh tinh tế về tình yêu Văn học

Chuyện tình mùa hội sen - bức tranh tinh tế về tình yêu

TTTĐ - Bài thơ "Chuyện tình mùa hội sen" của Nguyễn Hồng Vinh mở đầu bằng một bức tranh sặc sỡ của Lễ hội hoa Sen tại Hà Nội. Người đọc được dẫn vào một không gian đầy màu sắc và hương thơm của hoa sen, cùng với sự hội tụ của nam thanh, nữ tú từ khắp nơi, tạo nên một bầu không khí rộn ràng và tươi mới.
Gắn kết tình cảm gia đình hơn với tiểu thuyết “Mẹ sống cùng tôi” Văn học

Gắn kết tình cảm gia đình hơn với tiểu thuyết “Mẹ sống cùng tôi”

TTTĐ - "Mẹ sống cùng tôi" là tiểu thuyết hiện đại Hàn Quốc kể về cuộc sống của hai mẹ con bà Kang Soon Hee trong nhà trọ Yeon Hwa do chính bà làm chủ. Cuốn sách ra mắt độc giả Việt Nam đúng dịp Ngày của Mẹ (12/5). Bởi vậy, nó càng trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta đọc trong dịp này, như một lời tri ân và cảm ơn sâu sắc đến những người mẹ.
Cuốn nhật kí của phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ Văn học

Cuốn nhật kí của phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ

TTTĐ - “Kí họa trong chiến hào” là nhật kí của họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1932 - 2019). Tác phẩm được ông viết khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên chiến trường báo Quyết Thắng, tờ báo của Đại đoàn pháo binh 351.
Xem thêm