Cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh Covid-19
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Bài liên quan
Trao tặng 12 máy sát khuẩn tay, hỗ trợ học sinh phòng dịch
Hà Nội: Dự kiến dỡ cách ly thôn Hạ Lôi từ 0h ngày 6/5
Hà Nội: 3 học sinh có biểu hiện sốt trong ngày đầu quay lại trường học
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 4/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh tới thực trạng đỉnh dịch thứ 2 xuất hiện ở một số nước mở cửa sớm, từ đó yêu cầu thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trở thành thói quen tại gia đình, nơi làm việc, giữ khoảng cách an toàn nơi công cộng và không tụ tập đông người khi không cần thiết…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các quận, huyện cũng chuẩn bị công tác phòng ngừa và phun phòng dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền để người dân không đựng, chứa nước tù trong nhà để phát sinh mầm bệnh sốt xuất huyết. Các quận, huyện, thị xã tổ chức vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn phòng chống sốt xuất huyết, phấn đấu không để dịch chồng dịch.
Nhắc nhở các đơn vị tiếp tục cảnh giác cao độ, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh Covid-19; phải phát hiện nhanh tất cả các trường hợp bất thường như ho, sốt, đau họng, cách ly và xét nghiệm kịp thời… Chủ tịch UBND TP lưu ý: "Tất cả các trường hợp này không cần chờ đợi mà tiến hành cách ly ngay. Tuy nhiên, như phản ứng với trường hợp công nhân bị sốt xuất huyết tại huyện Gia Lâm, huyện tuyên bố cách ly 600 người dân, việc này đề nghị huyện phải báo cáo Ban Chỉ đạo TP trước khi quyết định".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị với các trường hợp bất thường, đưa vào 5 bệnh viện của thành phố, nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, cho cách ly tại nhà; kết quả dương tính chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bởi: "Phân loại, truy xuất nguồn lây là việc làm rất quan trọng. Bất luận trường hợp nào, đều phải làm rõ nguồn gốc lây nhiễm để kịp thời xác định F0, F1, F2. Công tác chuẩn bị vật tư y tế là lâu dài cho đến khi thế giới hết dịch và đến khi có vắc-xin. Nếu có thì phải trong vòng 3 năm nữa mới có vắc-xin đại trà”.
Từ việc sắp tới số lượng người khám chữa bệnh sẽ tăng, yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm quy định mỗi người bệnh chỉ được một người nhà chăm sóc. Các bệnh viện cũng cần học hỏi mô hình hẹn giờ khám bệnh qua mạng của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để không tập trung đông, không bị ùn ứ tại các bệnh viện.
Về việc học sinh trở lại trường và thực hiện giãn cách giờ học, theo Chủ tịch UBND TP việc thực hiện giãn cách từ 1 đến 1,5m trong lớp học sẽ gặp nhiều khó khăn nên các trường cần cố gắng giữ khoảng cách an toàn nhất có thể. Ngoài ra, các quận, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra tất cả các cửa hàng không thiết yếu phải mở cửa sau 9h.
Chủ tịch UBND TP nêu thêm việc xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào nhất là cửa hàng bán hoa, sửa chữa xe máy, điện tử điện lạnh, ba lô túi xách, khung tranh ảnh, lò rèn, hàng ăn…
“Thời gian này Ban Chỉ đạo phòng dịch bệnh Covid-19 chỉ họp 3 - 4 ngày một lần để tập trung chăm lo cho sản xuất, đời sống…”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Từ việc dịch chuyển kinh tế cũng như triển khai các chính sách hỗ trợ, theo Chủ tịch UBND TP: “Các chính sách cụ thể triển khai đúng mục tiêu sẽ củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp; giúp nền kinh tế phục hồi trở lại nhanh hơn”.
Tại cuộc họp, liên quan đến việc thực hiện Nghị Quyết 42 và Quyết định số 1757 của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, toàn TP có 414.922 đối tượng thuộc diện người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo cần trợ cấp với tổng kinh phí là 505.607 tỷ đồng.
Ngay khi thành phố ban hành Quyết định ngày 27/4, tất cả các quận, huyện, thị xã đã triển khai ngay việc rà soát, lập danh sách, chi trả. Các quận huyện có nguồn lực đã bố trí giải ngân ngay; có nơi do vướng mắc nguồn lực đã vay vốn để chi trả ngay cho người dân liên tục từ 27/4 đến hết 3/5.
Trong quá trình triển khai, nhiều quận, huyện đã rất tích cực bố trí nguồn lực đảm bảo chi trả kịp thời. 5 quận, huyện chi trả đạt trên 95% là: Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Trì, Hoài Đức và Mê Linh… Sau khi các quận, huyện kết thúc chi trả, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác trên. Bước đầu Sở chưa nhận được thông tin nào phản ánh về việc chi trả sai, không đúng đối tượng hay gây phiền hà, khó dễ cho người dân.