Cảnh giác những thông tin sai lệch về biến thể Omicron lan truyền trên mạng xã hội
Nhiều thông tin chưa được kiểm chứng
Trong khi các nhà khoa học đang chạy đua để giải mã biến thể Omicron, thì hàng loạt thuyết âm mưu đã "nhanh chân" chen vào các diễn đàn cộng đồng bằng những thông tin sai lệch. Theo đó, những ngày gần đây, người dùng mạng xã hội không ngừng chia sẻ một bài đăng đưa ra hàng loạt tuyên bố vô căn cứ về các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và thử nghiệm liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bài đăng bắt đầu với thông tin: “Hãy chắc chắn rằng luôn đeo khẩu trang, bởi vì biến thể mới Omicron rất khác biệt, có thể gây tử vong và không dễ để phát hiện một cách chính xác”.
Bài đăng tuyên bố rằng các triệu chứng của biến thể Omicron không bao gồm ho hay sốt mà chỉ là đau khớp, nhức đầu, đau cổ, đau cơ lưng trên, viêm phổi và chán ăn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh đây là các triệu của Omicron cũng như việc biến thể này không gây ho hoặc sốt.
Theo các chuyên gia y tế Việt Nam, hiện chưa có đủ thời gian và số ca mắc bệnh để có thể chắc chắn về việc liệu biến thể Omicron có gây ra các triệu chứng khác nhau hay không.
Những gì được chia sẻ trên mạng xã hội chỉ là một vài quan điểm của chuyên gia dựa trên phân tích một số lượng rất nhỏ các trường hợp nhiễm bệnh. Các bác sĩ và nhà khoa học cần thêm thời gian để biết liệu mức độ nghiêm trọng của Omicron có khác các biến thể trước đó hay không, và khác như thế nào.
Những ngày gần đây, người dùng mạng xã hội không ngừng chia sẻ một bài đăng đưa ra hàng loạt tuyên bố vô căn cứ về biến thể mới Omicron |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây bệnh trạng nặng hơn các biến thể khác hay không.
Về mức độ nghiêm trọng, bài đăng tuyên bố rằng biến thể mới nguy hiểm gấp 5 lần so với biến thể Delta, có khả năng làm tăng tỷ lệ tử vong và khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh hơn sang mức độ cực kỳ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đây cũng là thông tin vô căn cứ. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cho biết: “Cần có thêm dữ liệu để biết liệu việc nhiễm biến chủng Omicron có làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong so với các biến thể khác hay không”.
Trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần mới nhất của mình, WHO cho hay hiện chưa có đủ dữ liệu cần thiết để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể Omicron gây ra cũng như khả năng các đột biến của nó làm suy giảm hiệu quả miễn dịch do vaccine mang lại.
Về chẩn đoán, bài đăng thông tin rằng: “Kết quả xét nghiệm ngoáy mũi để xác định nhiễm biến thể Omicron thường là âm tính và số trường hợp cho kết quả xét nghiệm dịch mũi họng âm tính giả ngày càng tăng”.
Tuy nhiên, không hề có bất kỳ bằng chứng nào củng cố cho tuyên bố này. Trong bản tin cập nhật ngày 28/11/2021, WHO cho biết các xét nghiệm PCR đang được sử dụng rộng rãi hiện nay tiếp tục giúp phát hiện ra các ca nhiễm Covid-19, bao gồm cả biến chủng Omicron.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, bài đăng được chia sẻ trên mạng xã hội cung cấp thông tin không chính xác. Ở thời điểm bài viết được đăng tải không có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra các triệu chứng khác nhau của tình trạng bệnh nặng; Đồng thời, cũng không có bằng chứng cho thấy biến thể mới này thường gây ra kết quả xét nghiệm âm tính giả.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng
Vấn nạn tin giả không những làm nhiễu loạn thông tin và ảnh hưởng xấu trong cộng đồng xã hội, nó còn gây hoang mang cho cộng đồng, nhất là những thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Với nhiều tiện ích, mạng xã hội đã và đang trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với rất nhiều người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại thì sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã kéo theo khá nhiều hệ lụy.
Nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp để tung tin đồn, tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng nhằm gây hoang mang, lo sợ, kích động quần chúng Nhân dân. Thực tế, một bộ phận người dân do chưa nhận thức được đúng đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả mạo nên vô tình đã tiếp tay, làm lan truyền với tốc độ “chóng mặt” các nội dung thất thiệt sai sự thật.
Trên thực tế có thể thấy, những thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch. Các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc và xử lý không ít các trường hợp vi phạm. Tất cả những vụ đăng thông tin thất thiệt, thậm chí là bịa đặt liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 dù là vô tình hay cố ý cũng đáng lên án và phải xử lý thật nghiêm.
Lực lượng chức năng xử phạt đối tượng lan truyền tin giả trên mạng xã hội |
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Tùy mức độ vi phạm, mức nghiêm trọng về hậu quả do hành vi đó gây ra, người vi phạm có thể chịu xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Đối với tình hình dịch bệnh như hiện nay, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, dù có phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt và ngắn hạn.
Thiết nghĩ, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận, đăng tải lên mạng xã hội, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận.
Người dân cần chủ động chọn lựa tiếp cận những thông tin được cập nhật kịp thời, minh bạch, chính xác từ Bộ Y tế và các báo đài chính thống đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.