Cây sáng kiến ở Đội quản lý duy trì hồ
Phạm Thành Trung
Bài liên quan
Tuổi trẻ Thủ đô viết tiếp trang sử vàng
Tuổi trẻ Thủ đô tình nguyện phục vụ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Khởi động chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019
Những sáng kiến tiền tỷ của thợ trẻ
Sáng tạo không ngừng
Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí, trường Cao đẳng Thăng Long (Hà Nội), Trung được nhận về làm việc tại Công ty liên doanh Cơ khí xây dựng Hà Nội. Mọi việc rất thuận lợi khi anh được làm việc gần nhà lại có mức lương hậu hĩnh. Thế nhưng công ty lại chuyển địa điểm khiến Trung rơi vào tình cảnh “thất nghiệp”. May mắn anh được một người thân trong gia đình giới thiệu vào làm việc tại Xí nghiệp thoát nước số 4 rồi Đội quản lý duy trì hồ, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội.
Môi trường làm việc hoàn toàn khác khiến Trung có chút bỡ ngỡ, nhất là việc ứng trực thoát nước bất kể đêm ngày khi có mưa to. Tuy nhiên, đã quen với sự vất vả lại được anh em trong đội tận tình hướng dẫn nên Trung nhanh chóng vượt qua. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề cơ khí, anh được phân công đảm nhận sửa chữa các thiết bị thi công, dây chuyền nạo vét kênh mương...
Khi bắt nhịp được với công việc cũng là lúc Trung trở thành nhân tố tích cực trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của công ty. Anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng công việc, điển hình như sáng kiến “Cải tiến xe gom bùn cống gang thay thế xe bò cải tiến”.
“Môi trường xanh - sạch - đẹp là vấn đề rất quan trọng đối với thành phố. Bên cạnh đó, anh em ở khối mương làm việc vất vả khi phải kéo xe bò nặng. Quá trình di chuyển bùn còn bị sánh ra ngoài gây mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, mình và một đồng nghiệp khác đã bàn cách cải tiến xe gom bùn cống gang thay thế xe bò cải tiến” – Trung chia sẻ.
Tình yêu công việc và niềm đam mê cơ khí đã giúp anh Phạm Thành Trung luôn có những sáng tạo trong lao động |
Sáng kiến của Trung nhanh chóng được áp dụng trong thực tế, giúp công việc của công nhân nạo vét kênh mương thuận lợi hơn. Cũng trong quá trình làm việc, nhận thấy việc vớt rác ở các hồ điều hòa còn nhiều khó khăn, anh đã nảy ra sáng kiến chế tạo thuyền vớt rác tự động (có băng tải tự động sử dụng động cơ phát điện hoặc năng lượng mặt trời). Với sáng kiến này, người công nhân chỉ phải điều khiển thuyền còn việc vớt rác hoàn toàn do máy móc thực hiện nên tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực.
Đam mê là động lực
Ngoài những sáng kiến trên, Trung còn là tác giả của hàng loạt đề tài khác như: “Khôi phục máy phun tơi đã bị ngấm nước vào cuộn dây Stato”, “ Luồn dây điện vào ống ghen bằng động cơ”… Sáng kiến khôi phục máy phun tơi đã bị ngấm nước vào cuộn dây Stato của anh đã tiết kiệm cho công ty một khoản không nhỏ. Trong quá trình làm việc, máy phun tơi vị ngấm nước khó khôi phục phải bỏ dở hoặc thuê máy khác với giá thành đắt đỏ. Trung không chỉ khắc phục được nhược điểm đó mà còn phổ biến để các công nhân khác có thể thực hiện ngay trên công trường nên đẩy nhanh tiến độ công việc.
Năm 2019, Trung tiếp tục gửi lên đơn vị bốn sáng kiến để xét duyệt đưa vào thực tiễn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ cao. Để tăng khả năng tự làm sạch và xử lý ô nhiễm, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã bổ sung các hạng mục phụ trợ và lắp đặt máy sục khí trên 32 hồ. Thế nhưng khi trời mưa công nhân phải có mặt để tắt máy sục khí này.
“Nhiều hồ ở xa nên chúng mình rất mất thời gian đi lại. Hơn nữa, công nhân phải đến tắt máy sục khí lúc trời đang mưa rất nguy hiểm. Vì thế, nếu có thể tắt mở thiết bị từ xa sẽ thuận lợi và an toàn hơn” – Trung cho biết.
Nghĩ là làm, Trung đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công việc sử dụng tin nhắn SMS để tắt các máy sục khí. Nếu sáng kiến này được công ty phê duyệt áp dụng rộng rãi trong thực tế sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo an toàn tuyệt đối cho người lao động. Với những thành tích đã đạt được, Trung đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua;a Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội công nhận là Công nhân giỏi Thủ đô;.
Nhiều người thắc mắc, điều gì đã khiến Trung không ngừng sáng tạo trong lao động như vậy? Anh cho biết đó là tình yêu công việc, niềm đam mê với lĩnh vực cơ khí đã tạo ra động lực. Trung cũng quan niệm, trong lao động sản xuất phải có sáng kiến mới có thể bứt phá nên sự tìm tòi, sáng tạo đến như một nhu cầu tự thân.
Không chỉ là công nhân có tay nghề cao, luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao, Trung còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại công ty như: bóng đá, cầu lông… Đây là những hoạt động giúp anh thư giãn và gắn kết với anh em đồng nghiệp sau những giờ làm việc căng thẳng.
Địa điểm làm việc chính của Trung ở trạm bơm Linh Đàm (Hà Nội) nhưng khi ở đâu có sự cố anh sẵn sàng lên đường để sửa chữa kịp thời. “Công việc của những công nhân như mình vô cùng vất vả. Có người hỏi làm nghề gì, chúng mình còn đùa là “MC”. “MC” nghĩa là móc cống chứ không phải người dẫn chương trình. Vất vả nhưng chúng mình vẫn rất vui vì đang góp sức mình vào sự phát triển của thành phố, giúp cho môi trường Thủ đô xanh - sạch - đẹp hơn” – Trung nói.