Chậm chi trả cho trọng tài phục vụ SEA Games 31 do thủ tục từ phía ngân hàng, kho bạc
13 giảng viên Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội được chọn làm trọng tài SEA Games 31 Sinh viên được làm trọng tài SEA Games 31: Chuyện bây giờ mới kể |
Trong phiên chất vấn ngày 8/6, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu câu hỏi, qua phản ánh của cử tri, đến giờ phút này nhiều quan chức, trọng tài, giám sát quốc tế cũng như Việt Nam vẫn chưa nhận được chế độ làm nhiệm vụ dù SEA Games 31 đã kết thúc được nửa tháng. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm này thuộc về ai? Khi nào thì họ nhận được chế độ?
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đã phân bổ đủ 750 tỷ đồng mà Quốc hội giao đầu năm cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phục vụ tổ chức SEA Games 31. Nếu có vấn đề gì phát sinh ngoài 750 tỷ đồng thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Chính phủ để Bộ Tài chính tham mưu, xử lý.
“Về Kho bạc thì chúng tôi đã quy định thanh toán không quá 1 ngày và hướng tới thanh toán “3 không: Không tiếp xúc, không giấy tờ và không tiền mặt”. Còn đối với thanh toán đầu tư xây dựng cơ bản thì thanh toán trong vòng 1 ngày và chậm nhất là 3 ngày. Trường hợp không đủ giấy tờ, hồ sơ thì phải hỗ trợ không được giữ lại”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Tổng kinh phí cho SEA Games 31 là 750 tỷ đồng, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị thụ hưởng 497 tỷ đồng, còn lại 253 tỷ đồng cấp cho một số Bộ, ngành cùng 12 địa phương có bộ môn thi đấu.
Trong số 497 tỷ đồng phân cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 28,2 tỷ đồng chi trả nhiệm vụ cho những người làm trọng tài, quan chức kỹ thuật của nước ngoài; Theo đó có 1.200 người làm nhiệm vụ này.
Cũng theo thông lệ quốc tế, những người này sẽ được nhận tiền bằng một trong 2 hình thức là tiền mặt hoặc chuyển khoản tùy theo quy định của nước chủ nhà.
Đối với Việt Nam, ông Hùng dẫn Thông tư số 13 ban hành năm 2017 của Bộ Tài chính và Thông tư 62 ban hành năm 2020 hướng dẫn ban hành các khoản chi từ ngân sách Nhà nước qua kho bạc chỉ được rút tiền mặt với giá trị không vượt quá 5 triệu đồng nên phải chi trả qua tài khoản.
Khi thực hiện việc này đã có một số trọng tài đề nghị nhận tiền mặt và Bộ đã báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trao đổi nghiệp vụ với Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau đó, được đồng ý cho nhận tiền mặt vì khó khăn trong thanh toán tài khoản là 2,5 tỷ đồng với 259 người, số còn lại chuyển khoản.
Ông Hùng nêu thêm theo quy định hiện hành, khi trả tiền chuyển khoản phải ghi rõ tên ngân hàng, người thụ hưởng, địa chỉ ngân hàng nước đó, photo hộ chiếu hoặc vé máy bay gửi cho Tổng cục để làm các thủ tục theo quy định của kho bạc, ngân hàng.
"Vì vậy, đến thời điểm này, tiền đã có, không thiếu gì cả, chỉ còn lại là thủ tục. Hiện chúng tôi đã giao cho Tổng cục Thể dục thể thao liên hệ với các trọng tài quốc tế cung cấp thông tin theo yêu cầu của kho bạc, ngân hàng để chuyển cho họ. Như vậy, chúng ta không nợ số tiền này", ông Hùng khẳng định.