Chân dung nữ Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam
Ra mắt cuốn hồi kí của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris Kamala Harris, nữ Phó Tổng thống da màu, gốc Á đầu tiên của Mỹ: “Tôi sẽ không phải là người cuối cùng” |
Bà Kamala Harris từng được nhắc đến là “người phụ nữ làm nên lịch sử” (Ảnh: Reuters) |
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á từ ngày 21/8. Trong đó, từ ngày 22 - 24/8, bà Harris thăm Singapore. Từ ngày 24 - 26/8, bà sẽ thăm chính thức Việt Nam.
Theo kế hoạch, các hoạt động chính thức của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ bắt đầu từ sáng 25/8. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ chủ trì đón tiếp Phó Tổng thống Mỹ. Sau đó, bà Harris cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.
Bà Kamala Harris dự kiến cũng sẽ gặp gỡ đại diện của các tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường, trao quyền cho phụ nữ, quyền của người khuyết tật...
Tại Hà Nội, phái đoàn Mỹ cũng sẽ dự lễ khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Chuyến công du Đông Nam Á lần này là chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà Harris từ khi trở thành Phó Tổng thống Mỹ. Hồi tháng 6, bà sang thăm Guatemala và Mexico để xử lý tận gốc cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Mỹ - Mexico.
Bà Kamala Harris từng được nhắc đến là “người phụ nữ làm nên lịch sử” khi trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Mỹ. Bà cũng là người da màu, người gốc Nam Á đầu tiên đảm nhận cương vị này.
Trước khi sang Việt Nam, bà Kamala Harris đã có chuyến thăm Singapore từ ngày 22/8 (Ảnh: Straitstimes) |
Đêm 7/11, trong bài phát biểu đầu tiên với cương vị Phó Tổng thống đắc cử, bà Harris bà đã có những chia sẻ truyền cảm hứng: “Mặc dù tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí này nhưng sẽ không phải là người cuối cùng. Bởi vì những phụ nữ và bé gái đang theo dõi cuộc bầu cử đêm nay đều thấy rằng đây là một đất nước luôn mở ra các cơ hội và biết rằng họ cũng có thể làm như tôi”.
Bà Kamala Harris sinh năm 1964 tại Oakland, California, trong gia đình có bố mẹ là người nhập cư luôn đấu tranh vì nhân quyền. Mẹ bà, Shyamala Gopalan Harris là người nhập cư từ Ấn Độ, tới Mỹ du học. Còn cha bà, ông Donald Haris là một giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Jamaica
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học Haward năm 1986 và Đại học Luật Hastings của Đại học California vào năm 1989, bà Harris bắt đầu sự nghiệp với vai trò là Phó luật sư hạt Alameda, California, trước khi trở thành Luật sư quận San Francisco. Năm 2010, luật sư Kamala Harris đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa với kết quả sít sao để trở thành Tổng chưởng lý California.
Năm 2016, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong đảng Dân chủ, đại diện cho bang California. Tại Thượng viện, bà Harris là thành viên của nhiều tiểu ban quan trọng, bao gồm Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.
Trong sự nghiệp của mình, bà Harris có quan điểm ủng hộ kiểm soát súng đạn, cộng đồng LGBT, chính sách bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người...
Bên cạnh đó, bà là người theo đuổi việc cải cách tiến bộ, trong đó có việc ký một loạt chính sách tiến bộ, bao gồm cải cách Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan, hợp pháp hóa cần sa hay thực hiện chương trình giáo dục dành cho những người phạm tội buôn bán ma túy lần đầu, thay vì để họ mất hoàn toàn cơ hội sau những cánh cửa sắt.