Chàng trai Hà Nội bán đồng nát để xây trường vùng cao
Hoàng Hoa Trung chụp ảnh cùng với các em nhỏ trong một chuyến đi khảo sát ở Nậm Bồ
Bài liên quan
Cầu dân sinh vùng cao: Những cái bẫy chết người đang rình rập người dân
Hàng chục ngàn món quà “Tết sẻ chia, Tết của yêu thương”...
Cùng “Áo ấm cho em” vun đắp ước mơ cho trẻ vùng cao
Sẵn sàng làm tất cả chỉ để gây quỹ thiện nguyện
Bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội từ năm 2008, Trung ((sinh năm 1990, ởThanh Xuân, Hà Nội) cùng các thành viên trong nhóm tình nguyện Niềm Tin chủ yếu hoạt động ở các thành phố. Sau này địa bàn hoạt động của nhóm ngày càng được mở rộng ra các tỉnh miền núi.
Mục đích ban đầu của nhóm khi lên núi là giúp người dân nơi đây có thêm nhu yếu phẩm. Thế nhưng, những gì trải qua thực tế khiến Trung và các thành viên trong nhóm hiểu rằng “chỉ có đem lại kiến thức cho những đứa trẻ thì mới mong một tương lai tươi sáng hơn”. Do vậy, nhóm đã đặt ra mục tiêu xây dựng trường cho những học sinh vùng cao.
Năm 2012, cùng với sự trợ giúp của bộ đội biên phòng, Trung và các thành viên trong nhóm đã quyên góp và xây dựng được ngôi trường đầu tiên trị giá 160 triệu đồng.
Chàng trai Hà Nội trong một lần đi thực hiện dự án tại vùng cao. |
Để có được số tiền gây quỹ xây trường đó, Trung không nề hà bất cứ công việc gì. Những ngày cận Tết, Trung xuống làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), thấy người ta vứt nhiều đồ gốm cũ, cậu xin mang về và bán lại. Chỉ với giá 10 -15 nghìn đồng/sản phẩm, cậu thu được 60 triệu đồng cho quỹ từ thiện. Có những ngày, cậu ra công viên, lục từng thùng rác, gõ cửa từng kí túc xá để xin giấy báo cũ sau đó đem bán. Trung còn kiếm tiền bằng cách đào đất phù sa ở bãi sông Hồng.
"Tôi nhớ vào một hôm mưa có khách ở Tây Hồ gọi mua đất trồng cây. Chiếc xe máy cà tàng của tôi chở 4 bao đất lớn, trời mưa nước ngấm vào đất nặng kinh khủng, tôi vẫn cố chạy. Chuyến đó tôi thu được 300 nghìn đồng. Chúng tôi còn bán bảo hiểm xe máy, xin quần áo cũ, nhặt phân bò khô bán lại nữa”, Trung trải lòng.
7000 trẻ được nhận nuôi
Thỉnh thoảng, Trung vẫn quay trở lại những điểm trường đã xây. Vì thế, cậu phát hiện ra rằng, dù có trường mới tiện nghi, sạch sẽ hơn ngôi trường vách nứa mái gianh nhưng học sinh vẫn bỏ học. Bỏ thời gian sống cùng với dân bản, chàng trai 9X này mới biết có tới 70% người dân nơi đây chịu cảnh đói ăn. Việc học sinh phải bỏ học để vào rừng đào măng về luộc ăn trừ bữa không hề hiếm. Đói ăn chính là lý do khiến nhiều em học sinh không thể tiếp tục đến trường.
Sau gần một tháng sống cùng với đồng bào, Trung đã kêu gọi mọi người quyên góp tiền để nấu “bữa trưa có thịt” cho 27 học sinh của một điểm trường ở Mường Nhé. Mỗi bữa cơm có thịt của một bé quy ra là 8.500 đồng. Sau 2 tháng, một cô giáo cắm bản của điểm trường này đã vui mừng gọi điện thông báo cho Trung rằng: “Các con bây giờ nhìn đều có da có thịt, hơn nữa nhờ bữa trưa có thịt đã lôi kéo được thêm 7 em đến trường”. Nhận được tin ấy, Trung cảm thấy rất hạnh phúc. Đó cũng chính là động lực để Trung cùng nhóm thiện nguyện tiếp tục cố gắng.
Từ khi có dự án “Nuôi em”, các thầy cô cắm bản ngoài việc dạy học sẽ kiêm thêm nhiệm vụ làm đầu bếp để nấu ăn cho học sinh của mình. Đầu mối cung cấp thực phẩm để phân phát cho các điểm trường chính là các phòng giáo dục. Thực phẩm này luôn phải được đảm bảo là thực phẩm sạch và an toàn. Thức ăn cũng sẽ được thay đổi phong phú theo từng bữa để học sinh không bị nhàm chán.
Đều đặn từ năm 2015 đến 2017, Trung kêu gọi được các mạnh thường quân nhận nuôi 88 cháu. Người ta gọi phương pháp tình nguyện này là “bữa cơm níu trẻ em đến trường” bởi vì có cơm ăn miễn phí, không phải về nhà vào giữa buổi, tỷ lệ học sinh bỏ học ở những điểm trường được nuôi cơm giảm hẳn.
Đến năm 2018, số em bé được nhận nuôi tăng lên 5.436 cháu. Từ đầu năm 2019 đến nay, số học sinh nhận được sự giúp đỡ hiện đã hơn 7.000.
Từ quan niệm “thiện nguyện là một phần của cuộc sống”, Hoàng Hoa Trung cùng các thành viên trong nhóm đã có những đóng góp tích cực cho xã hội với một niềm tin chắc chắn rằng: “Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của tình yêu thương thì sức mạnh ấy sẽ rất lớn và có thể lập nên kỳ tích”.