Chàng trai K'ho dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em
Người thầy gương mẫu
Anh K’Xiam Lo Minh sinh năm 1983, là người dân tộc K’ho ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Là con cả trong gia đình có bốn anh em, Lo Minh luôn nỗ lực cố gắng để làm gương cho các em. Hoàn cảnh khó khăn, chàng trai trẻ vẫn miệt mài học tập, nuôi giấc mơ với con chữ.
Sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng chuyên ngành tiếng Anh doanh nghiệp tại trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Bình Dương năm 2007, Lo Minh vừa làm cho một công ty xuất nhập khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh, vừa đi dạy kèm kiếm thêm thu nhập. Niềm đam mê với nghề giáo được hun đúc từng ngày, anh học thêm nghiệp vụ sư phạm, chính thức được đứng trên bục giảng.
Thầy K’Xiam Lo Minh dạy tiếng Anh cho trẻ em người dân tộc K’ho ở thôn 15, xã Lộc Thành |
Sau gần 10 năm sống xa nhà, năm 2011 K’Xiam Lo Minh quyết định về quê cho gần gia đình, buôn làng. Anh vẫn tiếp tục đi dạy tiếng Anh cho các trung tâm ngoại ngữ, đồng thời thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa hơn trên mảnh đất mình sinh ra. Nhận thấy trẻ em ở buôn làng thiệt thòi, không có điều kiện học thêm, Lo Minh nảy ra ý tưởng mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí.
“Khi tham gia giảng dạy ở trung tâm ngoại ngữ mình chợt nhận thấy các em ở trong buôn làng mình còn nhiều thiệt thòi khi không có điều kiện được học thêm như những bạn trong thành phố. Vậy nên mình mới có ý định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho con em trong buôn làng trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về nghe, nói tiếng Anh để có thể giúp ích cho các em sau này”, anh Lo Minh chia sẻ.
Trước khi mở lớp học này, anh K’Xiam Lo Minh phải dành nhiều thời gian đi đến từng nhà dân trong buôn để vận động phụ huynh cho con em tham gia. Anh cũng liên hệ mượn hội trường thôn 15 làm nơi giảng dạy. Hoàn tất mọi khâu chuẩn bị, từ đầu tháng 8/2018, lớp học chính thức “sáng đèn”. Buổi đầu, lớp học chỉ có vài em, về sau số lượng tăng dần. Đến nay lớp đã tập hợp được hơn 80 trẻ đến từ các buôn Dạ Bin, Dạ Ngào…
Nỗ lực bền bỉ vì con chữ của trẻ em nghèo
Từ khi mở lớp dạy miễn phí, anh Lo Minh nghỉ hẳn công việc dạy ở trung tâm ngoại ngữ. Một phần do khoảng cách từ nhà đến trung tâm xa. Thêm vào đó, do thời gian dạy cả tuần nên thời gian chăm lo cho lớp học hạn chế. Quyết định nghỉ dạy, anh tiếp tục duy trì nguồn thu từ việc làm gia sư để lo cho tổ ấm nhỏ. Thời gian còn lại, anh dành cho bọn trẻ trong buôn làng.
Lớp tiếng Anh của anh Lo Minh lúc nào cũng đông trẻ, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực xung quanh theo học kể từ khi tổ chức lớp đến nay. Mỗi buổi học luôn bắt đầu bằng những câu chào hỏi giữa thầy trò. Háo hức đến lớp của thầy Minh, nhiều em vẫn mặc nguyên bộ đồng phục đi học ở trường.
K’Xiam Lo Minh mong muốn mở thêm nhiều lớp học miễn phí để giúp đỡ học sinh nghèo |
Số lượng học sinh ngày một nhiều, khả năng tiếp thu bài khác nhau, Lo Minh thực hiện chia lớp để dễ dàng cho việc giảng dạy. Dù chỉ là dạy thêm miễn phí nhưng anh vẫn soạn giáo án bài bản trước khi đến lớp. Mỗi buổi học kéo dài từ bốn giờ chiều đến chín giờ tối đan xen các tiết mục đố vui, ca hát… bằng tiếng Anh luôn sôi động, lôi cuốn học sinh.
Anh Lo Minh tâm sự: “Dạy cho các em tuy hơi cực nhưng bù lại chúng rất ngoan, biết nghe lời thầy. Chỉ tiếc cho nhiều em nhỏ khác cũng muốn học nhưng gia đình bận việc phải ở nhà. Dù lớp học còn rất nhiều khó khăn nhưng thấy các em ham học và ngày càng tiến bộ giúp mình có thêm động lực để dạy tốt hơn”.
Thấy được việc làm ý nghĩa của anh Lo Minh, hai cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh cũng tình nguyện tham gia phụ giảng. Đoàn xã cũng hỗ trợ thêm bằng cách vận động đoàn thể địa phương giúp đỡ về điều kiện vật chất để tiếp tục duy trì lớp học.
Với vùng còn nhiều khó khăn như Lộc Thành, lo cho con đến trường thôi đã là khó nên việc đến trung tâm đến học thêm tiếng Anh thì còn khó hơn gấp bội. Lớp học tiếng Anh của thầy Minh mở ra cho các em những cơ hội mới, giúp những học sinh nghèo nhanh chóng tiếp cận được tri thức mới. Ngoài việc duy trì lớp học, anh Lo Minh cùng các cộng sự mong muốn mở thêm các lớp học tình thương để giúp đỡ thêm nhiều trẻ em nhỏ trong thôn.