Chàng trai trẻ từ bỏ nghề “hot” để khởi nghiệp bán bánh mì
|
Bỏ ngân hàng, chọn bánh mì
Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, điểm IELTS 7.0, thuộc top “khủng”, Cường hoàn toàn có khả năng xin vào những vị trí có thu nhập tốt liên quan tới tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cậu trai 26 tuổi, đến từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh này lại quyết định đi bán bánh mì. Đây là quyết định khiến ngay cả chính bố mẹ cậu cũng sốc.
Cường tâm sự, do ngày trước, khi làm hồ sơ thi đại học, học sinh ở quê chỉ biết tới 2 khối ngành “thoát nghèo” là Kinh tế và Kỹ thuật. Tự thấy mình không hợp kỹ thuật nên theo gợi ý của chị gái, Cường quyết định thi kinh tế và vào một trường rất “hot” lúc bấy giờ là Học viện Ngân hàng. Thi đỗ, nhập học nhưng càng học, Cường càng cảm thấy đây không phải nghề hợp với mình. Vậy là cậu cố gắng hoàn thành việc học, ra trường nhưng không đi làm ngay mà học thêm tiếp tiếng Anh, thi IELTS và trải nghiệm nhiều nghề khác nhau, từ bán sách dạo, buôn cà phê, chạy hàng quán bar tới dạy kỹ năng mềm.
Đinh Văn Cường hào hứng với chuỗi cửa hàng bánh mì do mình gây dựng
Cuối cùng, sau khi hoàn thành khóa học “khai sáng” tại một dự án tâm huyết do giới doanh nhân sáng lập nhằm tạo cơ hội cho bạn trẻ được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, sau nhiều suy nghĩ, cân nhắc, cậu quyết định không theo nghiệp ngân hàng mà rủ chị gái cùng một người bạn kinh doanh món khoái khẩu là bánh mì.
Cường chia sẻ: “Mình biết đây là lựa chọn mạo hiểm, có thể khiến mình vất vả hơn nhiều nhưng đã là đam mê thì rất khó giải thích. Bố mẹ mình ban đầu khá bất ngờ nhưng về sau bố mẹ cũng dần chấp nhận, cho mình tự quyết, giúp đỡ mình lúc khó khăn và luôn động viên hai chị em”.
Từ bốt bánh mì đến chuỗi cửa hàng thương hiệu
Bắt tay vào nghiệp kinh doanh ngay nên Cường không chủ động về vốn. Gom góp tiền tiết kiệm và vay mượn thêm, cậu cùng chị gái và người bạn chung vốn khoảng 50 triệu đồng mở bốt bánh mì đầu tiên bán tại phố Trương Định (Hà Nội). Sau đó, cậu chuyển sang thuê cửa hàng là một biệt thự cũ trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm để bán lâu dài. Bánh khá ngon, địa điểm đẹp, kiến trúc quán độc đáo trên con phố đông đúc giúp tiệm bánh mì của Cường đắt khách. Những ngày cao điểm, quán đón tới 400 - 500 lượt khách.
Bánh mì được Cường lựa chọn kĩ càng từ vỏ bánh đặt làm riêng với bột mì chất lượng tốt. Các nguyên liệu ăn kèm như pate, khoai tây, bít tết, bò sốt vang… đều là hàng tự làm, đảm bảo vệ sinh. Rau thơm và dưa chuột cũng được rửa sạch, ngâm nước muối kĩ càng trước khi đưa vào sử dụng. Với ý định làm lớn, lâu dài, Cường đặt tên quán là Bánh Mì Cười và logo là chú dế mèn, dự định nếu thành công sẽ phát triển chuỗi cửa hàng thương hiệu nói trên.
Lý giải về tên quán và logo dế mèn không liên quan tới sản phẩm, Cường chia sẻ: “Tính mình vốn vui vẻ, yêu đời nên muốn khách hàng khi tới quán sẽ luôn vui cười, hài lòng với chất lượng đồ ăn cũng như dịch vụ tại đây. Còn với logo lấy hình chú dế mèn làm linh vật là do mình rất thích hình ảnh chú dế mèn vui tươi, cá tính, vô tư lự trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký của cố nhà văn Tô Hoài. Thực tế, có rất nhiều thương hiệu trên thế giới cũng lấy logo và linh vật không liên quan gì tới sản phẩm, Starbucks với biểu tượng mỹ nhân ngư là ví dụ”. Cường nói thêm, logo dế mèn là do bạn thân làm về thiết kế sáng tạo vẽ tặng bạn dựa trên tinh thần chung của cả nhóm hướng tới. Tên quán cũng là sản phẩm từ ý tưởng của cả nhóm.
Sau gần một năm hoạt động kinh doanh, tuy đông khách nhưng Cường và hai cộng sư thu về lợi nhuận không đáng kể. Nguyên nhân là do chưa biết cách quản lý nguồn vốn và chưa biết cân đối thu chi nên công việc làm ăn tuy phát triển nhưng lợi nhuận không nhiều. Khó khăn chồng khó khăn, địa điểm bán hàng bị thu hồi, quán của Cường phải chuyển về phố Nam Đồng mới với lượng khách ít hẳn. Nhiều lúc nản chí, Cường đã từng nghĩ chuyện chuyển hướng nhưng rồi mình phải gạt ngay những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu. Cường phải học cách chấp nhận làm cả những việc mình không thích để hướng đến thành công.
Khó khăn qua đi, lượng khách đến với cửa hàng ngày một đông. Nhiều khách ở xa cũng tìm tới tận nơi hoặc đặt hàng qua mạng. Chia sẻ về món ăn này, một khách hàng ruột của quán cho hay: “Món bánh mì chảo cười ở đây khá ngon. Cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình như người nhà. Đồ ăn sạch sẽ và quan trọng nhất là chủ quán cũng như nhân viên ở đây luôn lắng nghe khách hàng với thái độ cầu thị, biết rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Mình với bạn bè thỉnh thoảng vẫn qua đây vào dịp cuối tuần, vì mến người mến quán hơn cả vì chất lượng đồ ăn”.
Không chỉ phát triển công việc kinh doanh, Cường còn thường xuyên làm các công việc thiện nguyện. Cường kết hợp với các đơn vị tổ chức triển khai chương trình thiện nguyện hướng tới trẻ em nghèo tại Yên Bái, Cường trích lãi mỗi suất bánh mì bán ra 1.000 đồng gây quỹ từ thiện. Đồng thời, cùng nhiều bạn trẻ khác, cậu rao “bán thân”, chấp nhận mọi công việc làm thuê để lấy tiền công góp quỹ từ thiện.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Triển khai nhiều mô hình sáng tạo trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Dự án gây ấn tượng tại chung kết cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành Công nghệ thực phẩm

Nữ CEO 8X tận tâm, đổi mới trong “kỷ nguyên vươn mình”

Ươm mầm tài năng trẻ ngành Công nghệ thực phẩm Việt Nam

“Đòn bẩy” hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ cao

Để Hải Phòng xứng tầm trung tâm vùng gắn kết quốc tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ Khai mạc Techfest Việt Nam 2024

BIDV MetLife đồng hành cùng doanh nghiệp do nữ làm chủ và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo

Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo "Từ địa phương ra quốc tế"
