"Chìa khóa" bảo vệ trẻ em trước đại dịch Covid-19
Tác động của đại dịch với trẻ em
Mặc dù trẻ em nhiễm virus ít có xu hướng bị bệnh như người lớn nhưng không phải tất cả đều được bảo vệ trước Covid-19. Nhiều quốc gia đang chứng kiến số F0 là trẻ em nhập viện, tử vong tăng vọt.
Theo thống kê, tại xứ sở cờ hoa đã có trên 6 triệu trẻ em mắc Covid-19 được ghi nhận trong 6 tuần qua. Trên 600 trẻ em đã tử vong vì Covid-19, trong đó 158 trẻ từ 5 - 11 tuổi, biến dịch Covid-19 thành một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Mỹ. Bên cạnh đó, ước tính khoảng 5.000 trẻ em đã mắc phải tình trạng viêm đa hệ nghiêm trọng sau khi mắc Covid-19 có thể gây ra các tác động khiến suy nhược thể chất.
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ em hoàn toàn có thể mắc hội chứng “Covid-19 kéo dài” hay còn gọi là hội chứng hậu Covid-19. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và tương lai của trẻ mà trước mắt sẽ gây khó khăn cho việc phân biệt với tình trạng tái phát hoặc tái nhiễm bệnh, dẫn đến khó kiểm soát lây truyền.
Gia tăng số ca mắc Covid-19 trẻ em khi trường học mở cửa trở lại (Ảnh: iNews) |
Tại Anh, khi các trường học nước này mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hè, số ca nhiễm mới ở trẻ em đã gia tăng nhanh chóng. Nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London tiến hành cho thấy, tỷ lệ mắc Covid-19 ở người từ 13 đến 17 tuổi tại Anh là 2,55% trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 27/9; Tỷ lệ nhiễm bệnh ở nhóm tuổi từ 5 đến 12 là 2,32%. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm ở mọi nhóm tuổi trưởng thành ước tính chỉ dưới 1%.
Tại Châu Á, vào tháng 7, Indonesia ghi nhận trên 100 trẻ em tử vong mỗi tuần vì Covid-19, tỷ lệ cao nhất thế giới. Indonesia hiện có khoảng 1.300 trẻ tử vong do Covid-19. Theo Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Indonesia, sự gia tăng các ca bệnh và tử vong ở trẻ em xảy do sự lây lan mạnh của biến thể Delta, cũng như việc khó áp dụng các phác đồ điều trị cho trẻ em.
Trước tình hình này, giới chức y tế Indonesia đã yêu cầu các bậc cha mẹ đưa trẻ em tới bệnh viện kịp thời ngay khi mắc Covid-19; Đồng thời khuyến khích cha mẹ có con từ 12 đến 17 tuổi đưa các em đi tiêm phòng vắc-xin.
Các quốc gia ráo riết triển khai tiêm phòng
Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên tiêm chủng cho thanh thiếu niên 12 tuổi trở lên từ tháng 5, sau khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta. Giới y tế Mỹ đang chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Hiện Canada đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 80% dân số đủ điều kiện tiêm phòng 12 tuổi trở lên. Theo dữ liệu liên bang, trên 50% trẻ em Mỹ từ 12 đến 15 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19
Từ tháng 5, việc tiêm chủng cho trẻ em được khởi động khi Liên minh Châu Âu (EU) đã phê duyệt sử dụng vắc-xin Pfizer cho đối tượng từ 12 - 15 tuổi và vắc-xin Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12 - 17.
Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại Mỹ (Ảnh: CNN) |
Đến nay, đa số trẻ trên 12 tuổi ở Đan Mạch và Tây Ban Nha đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19.
Pháp là một trong những nước Châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15/6. Sau hai tháng, hơn 56% số người trong nhóm 12 - 17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, hơn 32% tiêm đủ hai mũi.
Ở Đức, ban đầu các chuyên gia khuyến cáo chỉ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi có bệnh nền. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta bắt đầu hoành hành hồi tháng 8, nước này đã triển khai tiêm chủng cho toàn bộ trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Ngày 2/8, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã phê chuẩn dùng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 của hãng Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi sau khi đã phê chuẩn vắc-xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi từ tháng 5.
Ngày 11/9, Cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi đã cho phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Điểm nóng Đông Nam Á
Là điểm nóng dịch Covid-19, Đông Nam Á cũng đang từng bước đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em.
Bắt đầu từ tháng 10, Thái Lan triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi với mục tiêu bao phủ hơn 5,04 triệu học sinh trên toàn quốc để chuẩn bị cho học kỳ mới bắt đầu từ tháng 11. Vắc-xin được nước này sử dụng là Pfizer.
Từ đầu tháng 7, nhiều địa phương ở Indonesia bắt đầu tổ chức tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi bằng vắc-xin của hãng Sinovac. Malaysia cũng đã phê chuẩn vắc-xin của Sinovac đối với nhóm tuổi này.
Học sinh tại Thái Lan tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để chuẩn bị cho năm học mới (Ảnh: Xinhua) |
Trẻ em Philippines từ 12 tuổi cũng bắt đầu được tiêm phòng từ tháng 10. Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Philippines đã phê chuẩn sử dụng vắc-xin của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Tiêm chủng cho trẻ em được coi là một bước quan trọng để mở lại các trường học ở Philippines, vốn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa trường học kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo tờ Khmer Times, nhóm tuổi từ 12 - 17 tại Campuchia đã có hơn 1,77 triệu người đã được tiêm, đạt 90,24% mục tiêu; Đối với nhóm tuổi từ 6 - 12 đã có hơn 1,86 triệu người được tiêm, đạt 98,31% mục tiêu.
Theo hãng tin Reuters, Campuchia sử dụng vắc-xin của Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất, cùng với vắc-xin AstraZeneca của Anh để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi. Riêng trẻ em từ 6 đến 12 tuổi tiêm vắc-xin Sinovac.
Như vậy, có thể thấy nhiều quốc gia trên thế giới đang coi việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em là một trong những giải pháp chủ chốt để tiến tới mở cửa trường học; Là điều kiện cho phép trẻ em tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, đồng thời cũng để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng cho trẻ em cũng giúp giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác và nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật trước nguy cơ xuất hiện biến thể mới.