Chiếc mũ bảo hiểm và chuyện đi học khôn
Honda Việt Nam trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh tỉnh Thanh Hóa Cần siết chặt và xử lý nghiêm học sinh vi phạm về giao thông Xử lý nghiêm hành vi người lớn chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm |
Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông |
Ngày xưa, đã có chuyện cổ tích thế giới, mà anh em Grim ghi lại, kể chuyện một anh chàng đi khắp thế gian để học khôn. Có trí khôn để tự bảo vệ mình, rồi giúp những người bất hạnh. Bây giờ để học khôn cũng cần đi khắp thế gian. Tuy nhiên, thời công nghệ 5.0 đã giúp chúng ta có một đôi đũa thần. Đôi đũa tàng hình trong con chuột vi tính. Chỉ một “cú nháy” là ta đã qua vạn dặm, học được bao trí khôn của loài người.
Tôi có may mắn là được ngồi ở rất nhiều hội đồng giám khảo cuộc thi. Tôi chưa bao giờ giám coi mình là ông thày ở một lĩnh vực hạn hẹp nào đó, mà mình chỉ là cậu học trò đi học thiên hạ. Học từ em bé cho đến các cụ già. Đừng tưởng các em bé thì còn trẻ người non dạ. Tôi được chứng kiến nhiều thiên thần trong veo ấy đã tư vấn cho chúng ta giải quyết những việc rất phức tạp mà chúng ta cứ lúng túng như gà vướng tóc.
Ví như việc làm sao giảm thiểu được tai nạn giao thông. Đã mấy chục năm nay không còn mưa bom bão đạn, Việt Nam đã trở thành một xứ sở hòa bình, một vùng đất an toàn nhất trong khu vực và hành tinh. Không có chiến tranh, nhưng ngày nào cũng có người chết và bị thương bởi tai nạn giao thông thảm khốc. Có tháng, con số thiệt mạng và bị thương lên đến cả ngàn người. Có lẽ số người chết trong chiến tranh những năm trước đây cũng không đến mức như thế.
Thi thoảng trên mặt báo lại thấy đưa tin những chiếc xe điên trèo lên cả vỉa hè thành phố để “nghiến” người ở ngay cả giữa trung tâm nội thị. Gần đây nhất là xe container đè nát một chiếc taxi đang dừng chờ đèn đỏ, làm ba người chết tại chỗ, trong đó có cả lái xe.
Rồi nguyên nhân nào cũng là “xe mất lái”. Làm sao xe lại “mất lái” được. Nhiều xe gây tai nạn kinh hoàng đều là xe cực tốt, cực sang. Có xe giá đến cả chục tỷ đồng. Tất cả chỉ là lỗi của lái xe. Lái xe hoặc say rượu, hoặc ngủ gật hay nghiện ma túy, mất khả năng kiểm soát.
Có cháu học sinh tiểu học đã tranh luận với hội đồng Giám khảo trong cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” rằng: “Các bác vẫn làm theo kiểu thủ công rất cũ kỹ, là bắt lái xe thổi vào ống máy kiểm tra nồng độ cồn. Cách đó rất trẻ con và cũng rất nguy hiểm, nhất là ở mùa Covid – 19 này. Và rồi nếu bị phát hiện hơi rượu, có khi lại nảy sinh tệ nạn tiêu cực mãi lộ.
Người ta còn bảo cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng số tiền lớn hơn. Thế thì làm sao người dân có thể tránh được hiểm họa. Tại sao các bác không cài một con chíp điện tử thông minh vào tay lái. Cứ thấy có hơi rượu, hơi ma túy là xe tắt máy, không thể khởi động được.
Bằng cách làm đơn giản này, các bác tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, vì không phải đầu tư lớn, lại giảm được tiêu cực mãi lộ, mà hàng ngàn chú công an không phải phơi mặt ra đường trong mưa gió và nắng lửa”.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ tính mạng cho dân, từ rất lâu rồi, Thủ tướng Chính Phủ đã từng có chỉ thị cho mọi người dân trong lúc đi đường phải đội mũ bảo hiểm. Đó là một quyết định rất kịp thời giúp người dân tránh được hiẻm họa trong lúc đi đường.
Trên thị trường mũ bảo hiểm, chưa bao giờ lại tưng bừng náo nhiệt như thế. Mũ thật có. Mũ giả có. Nhiều cái trông rất “hoành tráng” nhưng lại là hàng mã. Các cơ quan chức năng cũng đã kịp thời có biện pháp giúp người dân trong việc chọn lựa.
Ở quầy hàng thực phẩm, những sạp thịt lợn còn có dấu của cơ quan kiểm định. Mũ bảo hiểm cũng cần phải có sự kiểm định như thế. Tại sao không?
Phụ nữ dân tộc Thái khó khăn khi đội mũ bảo hiểm vì búi tóc |
Thôi, đồ hàng mã, ta chả bận tâm làm gì. Bởi đó là công việc của các cơ quan chức năng và những nhà kiểm định. Chúng ta chỉ bàn về những chiếc mũ chính hãng.
Gần đây, cô bạn thân của tôi vừa đi công tác Đài Loan, có mang về một chiếc mũ bảo hiểm. Giá mũ cũng không đắt lắm, chỉ 500 ngàn tiền Việt thôi nhưng về xứ ta, chiếc mũ phình lên đến mấy triệu đồng. Các cô gái sẵn sàng bỏ ra cả số tiền không nhỏ để tậu một chiếc mũ như thế.
Vì sao chiếc mũ được yêu chuộng đến vậy? Bởi đó là mũ thời trang. Người Đài Loan rất khôn trong việc đầu tư một chiếc mũ như thế. Ngoài việc bảo đảm sự an toàn tính mạng cho người đội, nó còn bảo đảm được cả tính thẩm mỹ.
Nhiều cô gái rất ngại chụp cái “nồi cơm điện” lên đầu. “Mái tóc em mới làm, đẹp đến thế, vậy mà chùm “nồi cơm điện” có vài phút, đã thành ngay cái tổ quạ rồi. Em nghĩ rằng, đàn bà con gái cứ phải đẹp. Đến chết cũng vẫn phải đẹp.
Ngay cả gương mặt dù ở trong quan tài thì cũng phải là gương mặt của một thiên thần chứ không không phải bộ mặt của một mụ phù thủy”.
Khiếp chưa!
Các nhà thiết kế sản xuất mũ bảo hiểm có cách nào để vừa bảo đảm được sự an toàn cho người đội mũ, lại vừa bảo vệ được mái tóc của chị em không?
Nhân bàn về việc bảo vệ mái tóc của chị em phụ nữ, anh bạn tôi vừa ở Sơn La về, đã được thấy một sáng kiến khá lạ mắt. Đối với người Thái, khi phụ nữ có chồng, mái tóc được cuộn lên trên đỉnh đầu như một ngọn tháp. Đây là một phong tục đã có từ lâu đời. Khi đã thành phong tục thì không thể xóa bỏ được.
Với những người đội tháp tóc trên đỉnh đầu ấy, việc mang mũ bảo hiểm sẽ ra sao? Thế là diễn ra cuộc “giao tranh” quyết liệt. Tóc chiếm được mũ và “đẩy” luôn gương mặt ra ngoài.
Mũ bảo hiểm có thiết kế độc đáo dành cho phụ nữ búi tóc |
Chả lẽ bảo vệ được mái tóc thì lại phải “hy sinh” cả khuôn mặt ư? Thôi thì đành “hy sinh” cái mũ vậy. Nhiều chị em đã khoét mũ cho lọn tóc chồi lên. Chị em đi trên đường, trông như những quả ớt đi động.
Mũ bảo hiểm mà thủng cả một khoảng chóp thì có còn là mũ bảo hiểm nữa không? Liệu có thể thiết kế riêng, sản xuất riêng những chiếc mũ bảo hiểm giành cho chị em dân tộc Thái không?
Đội mũ bảo hiểm nhiều khi khoái ra trò. Vùi đầu vào mũ bảo hiểm, cứ như chui vào chăn. Ấm áp. Yên tĩnh. Âm thanh bên ngoài cũng trở nên xa lắc. Nhiều anh chàng nhầm tưởng mình đang chui trong chăn thật. Thế là “đánh” luôn một giấc khi chiếc xe máy vẫn đang guồng trên đường phố nườm nượp người qua lại.
Có lẽ cũng cần phải tận dụng trí khôn của cháu bé, bằng cách cấy vào trong mũ một con chíp điện tử thông minh, để đánh thức người lái xe ấy bằng tiếng còi báo động hoặc lời nhắc để người tham gia giao thông biết rằng: “Không phải trong phòng ngủ ấm áp đâu. Bạn đang ngủ gật khi xe máy đang phóng với tốc độ lớn đấy!”
Làm được điều ấy chắc cũng không đến mức quá khó, nếu chúng ta đầu tư trí tuệ vào mũ bảo hiểm, biến những chiếc “nồi cơm điện” thành mũ thời trang, vừa bảo đảm sự an toàn lại vừa mang lại vẻ đẹp mới cho người đội mũ.
Như thế, người ta không chỉ đội mũ khi đi đường mà còn có thể đội mũ cả khi dự tiệc cưới, nếu chiếc mũ ấy cũng như những bộ quần áo “Mốt” nhất, biết giấu đi những khiếm khuyết và phô ra vẻ đẹp của gương mặt con người.
Trong sự phát triển của kinh tế thị trường cùng với công cuộc đổi mới đất nước, tại sao chúng ta lại không tin, trên mọi nẻo đường ta đi, không lâu nữa, sẽ xuất hiện những chiếc mũ thông minh như thế.