Cho phép đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Sóc Sơn”
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu huyện Sóc Sơn được sử dụng địa danh “Sóc Sơn”, kèm theo bản đồ khu vực địa lý vùng mang nhãn hiệu tập thể đã được UBND huyện Sóc Sơn xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Sóc Sơn”.
Hợp tác xã được cho phép sử dụng địa danh địa phương nêu trên có trách nhiệm xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể; Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; Quy định sử dụng tem nhãn; Tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy chế, quy định, quy trình do đơn vị ban hành.
Trường hợp địa danh “Sóc Sơn” nêu trên bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của tập thể đơn vị hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc các sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chuyển sang đăng ký bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận hoặc Chỉ dẫn địa lý”, UBND TP Hà Nội có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép.
Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu huyện Sóc Sơn vừa được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép sử dụng địa danh “Sóc Sơn” để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm dược liệu |
Theo thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện hiện vào khoảng 66ha. Nhờ áp dụng tổng thể các biện pháp kỹ thuật về giống thuần chủng, thâm canh, cơ giới hóa sản xuất, chế biến, giá trị từ cây dược liệu mang lại đạt 280 - 420 triệu đồng/ha. Đối với những diện tích cây dược liệu canh tác hữu cơ, giá trị mang lại cao hơn từ 1,5 - 2 lần. Qua đó, đời sống của người nông dân đã được cải thiện đáng kể…
Ngoài nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Sóc Sơn”, Hà Nội cũng cho phép sử dụng 4 địa danh địa phương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, bao gồm: UBND thành phố cho phép Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây sử dụng địa danh “Sơn Tây” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mít Sơn Tây” cho sản phẩm mít ở thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội tại Quyết định số 1606/QĐ-UBND, ngày 8/4/2021.
Tại Quyết định số 1607/QĐ-UBND, ngày 8/4/2021, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến sử dụng địa danh “Nam Phương Tiến” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi Nam Phương Tiến” cho sản phẩm bưởi ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Tại Quyết định số 1608/QĐ-UBND, ngày 8/4/2021, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn sử dụng địa danh “Chúc Sơn” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Chúc Sơn” cho sản phẩm rau tươi ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Tại Quyết định số 1609/QĐ-UBND, ngày 8/4/2021, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình sử dụng địa danh “Yên Nghĩa” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Yên Nghĩa” cho sản phẩm rau tươi ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Các đơn vị được cho phép sử dụng địa danh địa phương nêu trên có trách nhiệm xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể; Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; Quy định sử dụng tem nhãn.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy chế, quy định, quy trình do đơn vị ban hành.
Trường hợp 5 địa danh tại các quyết định nêu trên bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của tập thể đơn vị hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc các sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chuyển sang đăng ký bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý”, UBND thành phố Hà Nội có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép.