Khởi nghiệp với "Gối dược liệu người Dao"
Tấm gương sáng trong cộng đồng người Dao Xem lễ cưới của người Dao đỏ tại Thủ đô |
Với những ưu điểm trên dự án “Gối dược liệu người Dao” của cô gái trẻ Lý Thị Quyên (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) được đánh giá cao và đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Tìm hướng đi cho nông sản
Mơ ước trở thành cô giáo nên Quyên quyết tâm thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Tuy nhiên, tốt nghiệp ra trường, cô gái trẻ lại chẳng thể đứng trên bục giảng vì không xin được việc. Để chờ cơ hội đến với mình, Quyên quyết định ở nhà làm nghề nông cùng gia đình.
Đã từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao xã Vi Hương gắn bó với cây chuối như một loại nông sản chủ lực. Dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng cây chuối chẳng thể giúp người dân thoát nghèo. Có những thời điểm chuối quá nhiều, không tiêu thụ hết bà con nông dân đành bỏ thối ở góc vườn.
“Chứng kiến cảnh người dân khổ sở vì chuối quá nhiều đành vứt bỏ khiến mình xót xa. Mình muốn làm gì đó để cuộc sống của bà con bớt khó khăn hơn”, Quyên tâm sự.
Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Thiên An Lý Thị Quyên |
Nói là làm, Quyên mày mò tìm hiểu phát triển sản phẩm chuối sấy giòn nhằm tìm đầu ra cho cây trồng chính ở địa phương. Sau hàng chục mẻ chuối sấy bị hỏng, cô gái trẻ “khăn gói” lên Thủ đô học kỹ thuật sản xuất, chế biến tại Viện Công nghệ sau thu hoạch. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, cộng thêm tính ham học hỏi sẵn có, cô gái trẻ dần gặt hái thành công với mô hình chuối sấy.
Năm 2015, Quyên thành lập Hợp tác xã chế biến nông sản Thiên An và giữ vai trò Giám đốc. Một hợp tác xã đặc biệt với tên gọi có ý nghĩa mong chờ sự bình an cho thôn, bản. Để sản phẩm đến với người tiêu dùng nhiều hơn, cô gái trẻ tập trung vào cải tiến bao bì, thêm mã vạch, chú thích về nguồn gốc, thành phần sản phẩm, đồng thời mở rộng thêm nhiều loại mặt hàng như khoai lang, khoai tây sấy, bim bim rau củ cho trẻ em, măng, mật ong rừng... Đặc biệt, sản phẩm chuối sấy giòn đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Thiên An Lý Thị Quyên (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn bà con chọn cây dược liệu |
Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của hợp tác xã từ Bắc Kạn đã vươn ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng và có mặt ở các sân bay, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng doanh thu của hợp tác xã đạt hơn một tỷ đồng.
Bảo tồn nét văn hóa của người Dao
Sau gần 2 năm triển khai mô hình, Quyên nhận thấy Hợp tác xã Thiên An cần một làn gió mới cho những sản phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại trên thị trường. Sẵn có tình yêu với cây thuốc nên cô gái trẻ chuyển dịch sang trồng và sơ chế cây dược liệu.
Cũng thời gian này, Quyên được tham gia một lớp tập huấn về khởi nghiệp nên nảy ra ý tưởng kết hợp cây dược liệu với nét văn hóa thổ cẩm của đồng bào người Dao. Dự án “Gối dược liệu người Dao” ra đời từ đó.
“Gối được làm bằng vải thô nhuộm chàm, với các họa tiết thổ cẩm được thêu tay, bên trong lót thảo dược gia truyền của người Dao. Vớp bông mềm mại và gói thảo dược, gói có tác dụng xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ. Đây là sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Dao”, Quyên giải thích.
Các thành viên Hợp tác xã chế biến nông sản Thiên An giới thiệu về gối dược liệu người Dao |
Ngay lần đầu thử nghiệm, Quyên đã mạnh dạn sản xuất 200 chiếc gối đưa đến tay người tiêu dùng. Đồng thời cô gái trẻ tiến hành khảo sát nhu cầu, mong muốn cũng như số tiền khách hàng có thể bỏ ra cho một chiếc gối. Dựa vào khảo sát này, Quyên mạnh dạn tập hợp thêm nhiều phụ nữ giỏi thêu thùa ở địa phương, thiết kế thêm mẫu mã, cho ra đời nhiều đầu sản phẩm khác nhau như: Gối ôm, gối tựa, gối chống mỏi cổ... và được khách hàng đánh giá cao.
Sau 3 tháng, hợp tác xã bán ra khoảng 600 sản phẩm gối. Giá bình quân mỗi chiếc gối dao động từ 120.000 - 600.000 đồng/chiếc, tùy từng kiểu. Những chiếc gối thảo dược rất tiện dụng khi hoàn toàn có thể tháo ra giặt, phơi. Đặc biệt túi thảo dược có trong lõi gối đã qua xử lý chống ẩm mốc nên chỉ cần phơi qua là tái sử dụng.
Đến nay, sản phẩm gối của hợp tác xã chủ yếu bán tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tạo việc làm cho 15 thành viên với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài gối, hợp tác xã còn bán các sản phẩm khác như thuốc tắm, ngâm chân. Đây đều là những bài thuốc nổi tiếng của đồng bào người Dao.
Trong kế hoạch phát triển, Quyên cùng các thành viên trong hợp tác xã sẽ tập trung xây dựng 10ha vùng nguyên liệu. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hợp tác xã sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định để phát triển bền vững, lâu dài.
“Ngoài mở rộng sản xuất, mình mong muốn mở các lớp đào tạo, khôi phục nghề thêu truyền thống của đồng bào người Dao, đặc biệt tạo việc làm cho lao động dư thừa tại địa phương. Mình tin hướng đi này sẽ giúp hợp tác xã phát triển bền vững hơn, góp phần khôi phục, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao”, Quyên tâm sự.