Chủ dự án Điện gió Quốc Vinh bị “rụng” cánh - FECON: Gánh nặng nợ nần, mối lo dòng tiền
Dự án Điện gió Quốc Vinh: Mới vận hành đã “rụng” cánh Hai dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh và Hòa Đông 2 gãy cánh quạt |
Ngày 21/11 vừa qua, một trụ điện gió thuộc dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh (nhà máy điện gió số 6) đặt tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, đã bị gãy mất một phần cánh quạt khi đang… quay.
Ông Lê Thành Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng xác nhận sự việc và cho biết các đơn vị liên quan đang kiểm tra nguyên nhân để đánh giá cụ thể sau đó mới xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Nhà máy điện gió Quốc Vinh do liên danh Công ty Cổ phần FECON (đại diện là Công ty Cổ phần đầu tư FECON) và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền.
Nhà máy điện gió Quốc Vinh có 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5MW. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm. Dự án chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD) vào ngày 29/10.
Cánh quạt bị gãy tại dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh (Ảnh: VnExpress) |
Tại dự án này, FECON đồng thời đảm nhiệm vai trò tổng thầu trong nước các hạng mục xây dựng và hạ tầng, phụ trách toàn bộ móng turbine, hạ tầng giao thông, trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải điện 110KV dài 18,9km.
Theo tìm hiểu của phóng viên, FECON tiền thân là Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON được thành lập vào năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm. Công ty do ông Phạm Việt Khoa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Văn Thanh làm Tổng Giám đốc.
Về kết quả kinh doanh, quý III/2021, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 868,4 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tăng 12%, chiếm 774,8 tỷ đồng nên công ty ghi nhận lãi gộp 93,6 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, FECON ghi nhận doanh thu tài chính 10,8 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái; Chi phí lãi vay 35,8 tỷ đồng, tăng 39,1%; Chi phí quản lý doanh nghiệp 38,9 tỷ đồng, giảm 22%. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, công ty ghi nhận lãi sau thuế 20,2 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (Ảnh: FECON) |
Giải trình việc lợi nhuận giảm mạnh, FECON cho biết, do trong quý III/2021, các chỉ thị của Chính phủ và chính quyền địa phương về giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Coviđ-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí như máy móc, nhân công chờ việc, xét nghiệm, cách ly...
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận gộp trong kỳ.
Đồng thời, chi phí lãi vay tăng cao do tiến độ thu tiền các dự án bị chậm làm tăng thời gian vay vốn, đồng thời tiến độ triển khai đợt phát hành cổ phần riêng lẻ chậm hơn so với kế hoạch ban đầu...
Tính chung 9 tháng năm 2021, FECON ghi nhận doanh thu thuần 2.209 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; Lãi ròng 71 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty mới chỉ hoàn thành 57% chỉ tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm ngày 30/9/2021, tổng tài sản của FECON là 7.599 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu kỳ. Đáng chú ý, cơ cấu tài sản chủ yếu là hàng tồn kho tăng tới 90%, đạt 1.957 tỷ đồng; Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng cũng mạnh tới 23 lần, lên 1.051 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm tới 2.647 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tại thời điểm ngày 30/9/2021, nợ phải trả của FECON ở mức 5.033 tỷ đồng, tăng 17,6% so với đầu năm. Cơ cấu nợ phải trả đáng chú ý với nợ vay ngắn hạn tăng 33% lên 1.624 tỷ đồng, nợ vay dài hạn tăng 3 lần lên 1.139 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay đạt 2.763 tỷ đồng, tăng tới 73%.
Đáng chú ý, trong khi nợ phải trả ở mức cao thì vốn chủ sở hữu của FECON chỉ đạt 2.566 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,9 lần. Nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.
Năm 2019, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành Quyết định số 684/QĐ-TCT về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với FECON. Theo đó, Tổng cục Thuế quyết định xử lý vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra việc kê khai, nộp thuế thời kỳ năm 2016-2017 tại FECON (địa chỉ tầng 15, Tháp CEO, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu FECON nộp tổng số tiền truy thu, tiền phạt do kê khai sai, tiền chậm nộp tiền thuế là hơn 6,3 tỷ đồng. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng truy thu là 213 triệu đồng, số thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu là 4,5 tỷ đồng, số thuế thu nhập doanh nghiệp nhà thầu truy thu 30,6 triệu đồng, số tiền phạt về hành vi kê sai thuế 950 triệu đồng và tiền chậm nộp là 650 triệu đồng. |