Chưa có chính sách dài hạn phát triển năng lượng tái tạo để nhà đầu tư yên tâm
Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo: Góc nhìn từ những người trong cuộc Trung Nam, Sao Mai góp mặt top 10 dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu |
Nhận định trên được ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra tại tọa đàm "Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 22/12.
Theo ông Vy, năng lượng tái tạo của thế giới đang phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng trên 15-30%/năm. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia chiếm phần lớn tỷ trọng, như Đan Mạch, Ireland, Đức…
Hiện tại, lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang phát triển nhanh, với nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa. Trên thực tế, các dự án thủy điện tại nước ta đã hoàn thành gần hết, với tổng công suất khoảng 27,4GW, trong đó đã phát triển được khoảng 22GW.
Đối với điện gió, tổng tiềm năng kỹ thuật đạt 377GW, trong đó điện gió trên bờ có tổng tiềm năng 217GW, điện gió ngoài khơi chiếm 160GW. Việt Nam đã phê duyệt khoảng 11.800MW.
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (Ảnh: TC Nhà Đầu Tư) |
Vào cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã có 84 nhà máy với tổng công suất khoảng 4.000MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD). Tuy nhiên, 37 dự án đăng ký với tổng công suất khoảng 2.455MW đã đăng ký nhưng không kịp COD trước ngày 31/10/2021.
Theo ông Vy, tiềm năng năng lượng mặt trời tại Việt Nam là rất lớn. Theo tính toán, điện mặt trời sẽ có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 434GW, trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 16,6GW (điện mặt trời tập trung 9GW, điện mặt trời mái nhà 7,6GW).
Trong giai đoạn 2020-2050, hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc từ phần lớn dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang tăng cường hiệu quả, dựa trên năng lượng tái tạo và thực hiện điện khí hóa rộng rãi trong khi tăng tính linh hoạt của hệ thống.
Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của Việt Nam bao gồm điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, kết hợp với công nghệ số giúp tận dụng tối đa lượng điện năng lượng tái tạo chi phí thấp ngày càng tăng; Gia tăng nhanh việc sử dụng điện và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo bằng cách phối hợp triển khai và sử dụng chúng trong các lĩnh vực quan trọng như điện, giao thông, công nghiệp và các tòa nhà.
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió, nhưng chưa có chính sách dài hạn giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư |
Để thực hiện hóa được chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển ngành năng lượng làm cơ sở xây dựng, phát triển thị trường năng lượng tái tạo; Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
Đối với chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư, các dự án năng lượng tái tạo đã được áp dụng biểu giá điện hỗ trợ (Feed-in tariff - FIT); Các đơn vị điện lực có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới; Các dự án điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện được ưu tiên đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Đối với các dự án ngoài lưới, chủ đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo được hỗ trợ để thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.
Mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn, song ông Vy cũng thừa nhận, Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Cụ thể, theo ông Vy, Việt Nam vẫn chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án.
Đồng thời, Việt Nam còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn dụng các công nghệ năng lượng tái tạo; Giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng thống nhất trong cả nước có thể dẫn đến hạn chế nguồn lực cho phát triển.
Mặt khác, giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng chung, không phân biệt quy mô sẽ dẫn đến bất cập, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn dự án nhỏ…
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển năng lượng tái tạo, ông Vy cho rằng Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo; Tổ chức chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo; Xây dựng và ban hành áp dụng hoặc công bố áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần ban hành cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng như các công cụ đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống điện khi gió và điện mặt trời cao.
Đặc biệt, ông Vy đề nghị sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo các bước gồm: Xác định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện trong từng năm, theo từng vùng, miền nhằm tránh quá tải cho các đường dây. Các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một hoặc một vài địa điểm nhằm tránh quá tải cho lưới điện; Các dự án được chọn trên cơ sở giá đề xuất từ thấp đến cao cho đến khi đủ công suất theo yêu cầu.