Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn
Toàn quốc đã có 2.169 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới bền vững, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với đơn vị làng, xã để phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng.
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020. Sau gần 3 năm triển khai, đến nay chương trình OCOP đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, có 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của chương trình giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng có nhiều sản phẩm OCOP nhất với 712 sản phẩm, miền núi phía Bắc với 497 sản phẩm OCOP, đồng bằng sông Cửu Long có 375 sản phẩm OCOP, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ chỉ có 17 sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai.
Như vậy, các tỉnh phía Bắc có 1.209 sản phẩm OCOP, chiếm trên 55,7% tổng số sản phẩm được công nhận đạt chuẩn của cả nước.
Hiện toàn quốc đã có 2.169 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên |
Về cơ cấu sản phẩm được phân hạng, 1.405 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 716 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hiện nay, Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao theo đề xuất của 12 tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2020.
Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm, 1.786 sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm, 163 sản phẩm OCOP thuộc nhóm đồ uống, 107 sản phẩm OCOP thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí, còn lại là các sản phẩm khác.
Về chủ thể, đã có 1.271 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 471 HTX, 390 doanh nghiệp, 365 cơ sở sản xuất, còn lại là các tổ hợp tác.
Trong 3 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đào tạo và tập huấn cho hơn 8.000 lượt cán bộ quản lý, giảng viên trường đại học, phối hợp với các địa phương tập huấn cho trên 25.000 lượt cán bộ cấp huyện, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất tham gia OCOP.
Đặc biệt, việc xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP bước đầu được quan tâm. Nhiều biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được ký kết giữa các nhà bán lẻ với các chủ thể tham gia OCOP và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới trung ương, các tỉnh, thành phố. Chương trình đã góp phần đa dạng sinh kế cho người dân; Phát huy tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc sản của nhiều địa phương, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.
Sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển
Có thể thấy rằng, Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình mà còn là cơ hội, điều kiện để họ có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng địa phương.
Nhiều sản phẩm đã phát huy được giá trị, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của sản phẩm OCOP gắn với sự phát triển các HTX, tỷ lệ các chủ thể là các HTX ở nhiều vùng chiếm tỷ lệ cao.
Sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng giá trị và thị trường đối với các chủ thể. Đa số các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ 10 – 40%, nhiều sản phẩm ở khu vực khó khăn đã mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Sản phẩm OCOP đã từng bước tham gia vào thị trường với vị thế của sản phẩm đặc sản của Việt Nam, dần trở thành một dấu hiệu nhận diện trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng, gắn với thương hiệu OCOP Việt Nam.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới khẳng định: Chương trình OCOP là chương trình rất có ý nghĩa.
Chương trình cho thấy vai trò, ý chí, sức sáng tạo của người dân. Đây là chương trình của Chính phủ, có vai trò của các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chặt chẽ, do cơ quan quản lý nhà nước chấm và đánh giá chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP có 4 thế mạnh cụ thể: Xác định được vùng nguyên liệu, các sản phẩm OCOP phải là sản phẩm ở nông thôn. Các sản phẩm OCOP đã xây dựng được nguồn lực lao động lớn, chú ý đến vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và chỉ dẫn địa lý.
Thứ trưởng cũng cho biết, vấn đề xúc tiến thương mại được thực hiện cơ bản rất tốt. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP trong quá trình tham dự chưa thực sự chú ý đến mẫu mã và thương hiệu nên không được đánh giá cao về chất lượng.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương |