Cô gái trẻ kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ khởi nghiệp nông nghiệp sạch
Mô hình khởi nghiệp với nông nghiệp sạch của cô gái trẻ Đoàn Thu Trà, cựu sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Bài liên quan
Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp sạch
Cô gái dân tộc Cờ Lao khát vọng làm giàu trên quê hương
Chàng trai đưa cỏ vetiver tới cộng đồng
Kỹ sư cơ khí bỏ việc để làm nông nghiệp sạch
Bước ngoặt táo bạo
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với tấm bằng giỏi, Đoàn Thu Trà (sinh năm 1991, dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng) quyết định trở về quê hương Cao Bằng làm việc trong cơ quan nhà nước. Cùng thời gian đó, Thu Trà tiếp tục thi và học lên thạc sĩ từ năm 2014 - 2016, ngành Khoa học cây trồng.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo sau đại học, trở về quê hương, Thu Trà chứng kiến cảnh người dân quê mình còn nhiều vất vả, lam lũ với mảnh ruộng. Quanh năm họ chỉ biết hai vụ lúa, sản lượng thấp và thu nhập không ổn định, lại luôn phải vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho con đi học. Chính điều đó đã thôi thúc cô gái trẻ cần phải làm điều gì đó mà người dân ở quê mình không dám làm. Đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
“Từ những kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập, cùng với niềm đam mê yêu thích ngành đã học, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi đã mơ ước sau này phải xây dựng được một trang trại hoa, cây cảnh và rau quả sạch của chính mình”, Thu Trà chia sẻ.
Nghĩ là làm, Thu Trà quyết định khởi nghiệp tại mảnh đất Cao Bằng và bắt đầu với cây dâu tây. Vừa mày mò, học hỏi, áp dụng kiến thức, ban đầu chỉ là trồng thử rồi không biết từ lúc nào, Thu Trà đã thực sự hứng thú với giống cây trồng này.
Với số tiền tích cóp trong quá trình đi làm, cùng với việc bán các loại cây giống online, Trà có được một số vốn. Cô kết hợp vay thêm 50 triệu đồng từ dự án phát triển sản xuất cho nông nghiệp công nghệ cao, để thực hiện ước mơ của mình.
Mô hình khởi nghiệp với nông nghiệp sạch của cô gái trẻ Đoàn Thu Trà đem lại hiệu quả kinh tế cao |
Khi mới bắt tay trồng dâu, Trà phải thử trồng rất nhiều giống để lựa chọn loại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Cao Bằng. Năm đầu tiên thử nghiệm, vườn dâu bị chết gần hết, cô gái trẻ lại phải đặt mua lại và chuyển từ Hà Nội lên. Thời tiết, sâu bệnh, năng suất thấp… đôi lúc khiến Trà nản chí.
Không chấp nhận thất bại, Thu Trà đã tìm tòi, tự học trên mạng, hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và mạnh dạn xây dựng hệ thống nhà kính trên diện tích 1.800 m2 với kinh phí trên 400 triệu đồng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây của Thu Trà phát triển xanh tốt, sau 3 tháng đã cho thu hoạch trái ngọt. Vì trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên trồng đến đâu thu hoạch tới đó. Trung bình mỗi ngày vườn cho thu từ 5 - 6 kg dâu.
Thu Trà chia sẻ: “Được sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân nên em hiện thực hóa ước mơ của mình. Qua đó em cũng chứng minh cho người dân ở quê thấy được hiệu quả từ việc thay đổi cơ cấu cây trồng. Em không muốn lợi thế của địa phương bị bỏ phí nên hy vọng sẽ có nhiều người bắt tay vào làm hơn”.
Thành công bước đầu, nữ thạc sĩ mạnh dạn mở rộng quy mô trồng dâu tây. Từ diện tích thử nghiệm vài trăm mét vuông, đến nay cô đã là chủ của trang trại 5,5ha, đem lại doanh thu hàng năm trên 2 tỷ đồng, thu lợi nhuận trên 700 triệu đồng mỗi năm.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp
Để có được thành công hiện tại, trong quá trình thực hiện Thu Trà cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc thiếu vốn, nhân công, đất sản xuất phải đi thuê của các hộ dân. Kỹ thuật ban đầu cũng còn hạn chế nên phải tự mình mày mò, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, qua hình ảnh, video của bạn bè quốc tế chia sẻ...
Không chịu đầu hàng khó khăn, Thu Trà từng bước vượt qua và tiếp tục lên kế hoạch kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với kinh doanh du lịch nhà vườn. Cô xây dựng khuôn viên phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm hái dâu tây. Đồng thời, nắm bắt được tâm lý của các bạn trẻ thích chụp ảnh, Thu Trà đã nghiên cứu trồng thêm hoa hồng cổ và hoa hồng nhập ngoại.
Điều này cũng xuất phát từ cơ duyên, năm 2016, Thu Trà lên xe hoa với chàng trai trẻ ở Thường Tín (Hà Nội). Anh không chỉ là giảng viên mà còn là chủ vườn hồng được nhiều người biết đến. Thế là, Trà đã nghĩ ngay đến việc kết hợp dâu tây với trồng hoa hồng.
Mô hình du lịch nhà vườn của cô gái trẻ Đoàn Thu Trà như một điểm nhấn mới cho du lịch Cao Bằng. Giờ đây, du khách đến với Cao Bằng không chỉ bởi hấp dẫn của vẻ đẹp non nước hữu tình, mà còn được trải nghiệm mới tại những nông trại, nhà vườn.
Cô chủ trẻ Đoàn Thu Trà và chồng tại trang trại hoa, cây cảnh của gia đình |
Chia sẻ về hướng phát triển của mình trong thời gian tới, Thu Trà cho biết: “Xu hướng hiện nay là phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nắm bắt xu hướng đó, tôi cũng vạch rõ hai định hướng cho trang trại của mình. Đó là tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển một số loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện vùng, cho năng suất chất lượng ổn định, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất so với cây trồng truyền thống”.
Cùng với đó, Thu Trà cũng hướng trang trại của mình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hiện nay HTX của cô cũng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm dâu tây. Ứng dụng công nghệ 4.0, nông nghiệp thông minh vào sản xuất để giảm chi phí công lao động.
Cụ thể, nữ thạc sĩ cho biết, mô hình của cô đã ứng dụng việc trồng dưa lưới, dâu tây trên giá thể, sử dụng các máy móc thông minh như: Hệ thống tưới châm phân tự động fertikit kết nối wifi, 3G với người dùng; hệ thống cảm biến dự báo thời tiết trên vườn; các loại máy, bút đo chỉ tiêu của đất và dung dịch thuỷ canh cho cây trồng...
“Dự án của mình kết hợp giữa nông nghiệp bền vững và áp dụng công nghệ 4.0 để phù hợp với giai đoạn phát triển hiện tại. Mình không xây dựng toàn bộ nhà kính công nghệ cao mà tận dụng quỹ đất sản xuất còn rất nhiều của vùng, lợi thế về khí hậu để trồng cây mới ở ngoài trời, áp dụng mái che vòm thấp và một phần công nghệ cao vào sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới thông minh để cài đặt việc tưới theo phương án mong muốn. Mình cũng xây dựng nhà kính làm mát hiện đại để lưu trữ và sản xuất giống dâu tây trong vụ hè, tiết kiệm chi phí nhập giống mới hàng năm”, Thu Trà cho biết.
Nhờ những định hướng đó đã giúp Thu Trà giảm chi phí đầu tư. Cô chỉ tiêu tốn 1/5 chi phí so với sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ cao mà hiệu quả đem lại vẫn đạt đến 80 - 90% so với áp dụng công nghệ cao hoàn toàn.
Từ những thành công trong khởi nghiệp bằng nông nghiệp, vừa qua thạc sĩ Đoàn Thu Trà đã vinh dự là một trong 34 thanh niên tiêu biểu toàn quốc, nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2019. Trà chia sẻ: “Tôi vinh dự và tự hào vì những kết quả từ sự cố gắng của mình đã được Trung ương Đoàn và tất cả mọi người công nhận”.