Còn sức là còn làm từ thiện...
Ủng hộ thần tượng, làm từ thiện để lan tỏa yêu thương Sau những ồn ào về từ thiện và “sao kê”, nghệ sĩ Việt còn lại gì? Làm từ thiện: cần những hành động thiết thực |
Bán đất mua xe cứu thương giúp đỡ người nghèo
Câu chuyện về bà Phan Thị Bính - người đã bán đi mảnh đất của gia đình với giá hơn 1 tỷ đồng để đi mua xe cứu thương vận chuyển miễn phí cho bệnh nhận có hoàn cảnh khó khăn không còn xa lạ với phòng công tác xã hội của các bệnh viện và nhiều người dân ở Tổ dân phố số 22 - khu dân cư số 2, Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Chuyện xuất phát từ nhiều năm trước, khi các trường hợp gia cảnh quá nghèo, không có đủ tiền để thuê xe của bệnh viện đưa người thân về nhà được báo chí phản ánh liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều vụ việc đã lấy đi không ít nước mắt của người dân, điển hình như trường hợp người anh vì không có tiền thuê xe đành bó chiếu thi thể của người em rồi chở về bằng xe máy hay vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu đang chở bệnh nhi về quê chỉ vì "luật ngầm" - không cho xe từ nơi khác đến đón bệnh nhân từ bệnh viện...
Những vụ việc như thế đã luôn ám ảnh tâm trí bà Phan Thị Bính, khiến bà phải nhiều đêm mất ngủ.
Bà Phan Thị Bính |
Năm 2016, qua một phóng sự truyền hình về mô hình xe cấp cứu miễn phí ở tỉnh An Giang, bà Bính và bà Thái Thị Tám (ở phố Vũ Tông Phan, phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân) đã lặn lội vào tận địa phương này tìm hiểu. Nhận thấy đây là mô hình rất thiết thực, về đến Hà Nội, bà đã quyết định bán đi mảnh đất của gia đình trong Cam Ranh lấy tiền mua xe cứu thương, thực hiện tâm niệm bấy lâu của mình.
Đầu tháng 12/2018, thông tin về chuyến xe cứu thương miễn phí của bà được đăng tải trên mạng xã hội. Để hỗ trợ kịp thời đến với người cần được giúp đỡ, bà Bính đã tự mình tìm đến các phòng công tác xã hội của bệnh viện trên địa bàn thành phố, đề xuất được giúp đỡ vận chuyển những bệnh nhân nghèo (có xác nhận của phòng công tác xã hội bệnh viện) từ bệnh viện về nhà và đưa các trường hợp cấp cứu khẩn cấp đi điều trị. Chỉ trong hơn 1 tháng, mọi việc đã đi vào guồng quay.
Nhắc lại thời điểm ban đầu, bà Bính và các thành viên trong tổ thiện nguyện vẫn nhớ như in những khó khăn vất vả họ phải trải qua, khi mọi người đều làm việc từ tâm và không ai có chút kinh nghiệm nào.
Đó là khi trang thiết bị đã sẵn sàng, chính quyền địa phương ủng hộ nhưng việc tìm một lái xe có thể bỏ thời gian, công sức chạy miễn phí lại trở nên vô cùng khó khăn. Giữa lúc đó, ông Mai Văn Toàn đã tình nguyện từ quê nhà ở xã Mỹ Ðức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ra Bắc để hỗ trợ những người chung chí hướng. Thấy chồng ra Bắc chạy xe miễn phí cứu người, vợ ông Toàn cũng ra cùng. Hằng ngày, ông Toàn và nhóm của bà Bính đi làm từ thiện, còn bà ở nhà nấu cơm chay phục vụ mọi người. Vì chưa quen đường sá và thời tiết, ban đầu ông Toàn chạy xe khá vất vả. Bà Bính thường xuyên phải đi cùng.
Ban đầu, quy định của nhóm là chỉ hoạt động trong bán kính khoảng 100km nhưng có đôi lần nhóm vẫn phá lệ. Đến nay, chiếc xe cứu thương của bà Bính đã lăn bánh qua nhiều tỉnh khó khăn của miền Bắc như Yên Bái, Cao Bằng, Điện Biên...
Sau một thời gian vận hành rất nhiều bác tài cũng đã đăng ký để được cùng bà Bính giúp sức cho những người nghèo. Bà Bính cho biết: "Hiện chúng tôi có khoảng 10 tài xế luôn sẵn sàng lên đường bất kể thời gian nào. Đối với những chuyến chở bệnh nhân xa chúng tôi thường bố trí 2 tài xế để đổi ca cho nhau, như thế sẽ đảm bảo an toàn ở mức cao nhất".
Không cần giàu có mới làm từ thiện
Ngoài vận hành xe cấp cứu miễn phí, bà Bính và những thành viên trong nhóm thiện nguyện Từ Tâm còn tham gia nấu và phát cơm, cháo miễn phí tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Không chỉ vậy, bà Bính đã kết hợp với đội ngũ bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình mổ mắt từ thiện đem lại ánh sáng cho những người nghèo. Đến nay đã có hơn 300 ca mổ được thực hiện và thành công tốt đẹp.
Để "chạy" được chương trình này, bà Bính đã kêu gọi 200 triệu đồng từ các tấm lòng hảo tâm, riêng cá nhân bà cũng đã đóng góp 100 triệu đồng. Bà Bính chia sẻ: "Thực sự tôi luôn khao khát có thể đem lại ánh sáng cho những người thị lực kém, thậm chí là mù lòa, để họ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Một người mà không nhìn thấy gì, họ sẽ luôn bi quan về cuộc sống".
Ít ai biết, ngoài 2 người con lớn đã lập gia đình, bà Bính vẫn còn con gái út đang học đại học. Chồng bà mất đã 5 năm nay và bản thân bà bị ung thư nhiều năm, đã di căn giai đoạn 3.
Bà đã làm từ thiện hơn 20 năm. Từ khi chồng bà khi còn sống và giờ là các con đều ủng hộ, sẵn sàng giúp bà khi cần. Gia đình bà đều tâm niệm, không cần giàu có mới đi làm từ thiện, mà cứ làm được việc tốt nào thì cố gắng.
“Khi tôi làm từ thiện, có trường hợp người thân nạn nhân cứ đưa tiền cảm ơn, nhiều người khuyên nên lấy một chút tiền xăng xe nhưng tôi đều từ chối. Tôi luôn tâm niệm, bản thân mình chỉ có một cuộc đời, tôi cũng đang mang bệnh trong người, giữ tiền bạc mà làm gì, tôi chỉ cần sống sao cho thật có ích. Tôi đã dặn con cháu, khi tôi “khuất núi”, chiếc xe được con cháu duy trì thì cũng không lấy của bệnh nhân một đồng”, bà Bính tâm sự.
Ghi nhận những đóng góp thiện nguyện của bà Phan Thị Bính, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã trao tặng bằng khen và huy hiệu “Người tốt - việc tốt” cho bà. Bà Bính cũng được vinh dự được dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X và nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ. Mới đây nhất, bà được đề nghị xét tặng danh hiệu công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021.