Công nhận thương hiệu “Nhãn Sơn La”
Hà Nội tạo mọi điều kiện giúp Sơn La tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” cho UBND tỉnh Sơn La.
Việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng nông sản của tỉnh Sơn La, tạo nền tảng cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ quả nhãn của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Những năm trở lại đây, nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Quả nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và nước ngoài ưa chuộng, đánh giá cao, bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho UBND tỉnh Sơn La |
Năm 2021, diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La vào khoảng 19.224ha, trong đó tập trung tại các huyện như Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… với sản lượng ước đạt 98.500 tấn.
Thống kê cho thấy, Sơn La hiện có 2.200ha nhãn với sản lượng gần 22.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, Châu Âu…
Đặc biệt, riêng huyện Sông Mã có trên 7.200ha nhãn, với gần 5.900ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh Sơn La.
Vì vậy, theo Bộ Công thương, việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nhãn quả tươi, long nhãn được kỳ vọng là một công cụ hữu hiệu để phát triển thương hiệu, nâng cao vị thế, danh tiếng, qua đó phát triển các vùng chuyên canh trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nhãn trên địa bàn của tỉnh Sơn La.
Việc quản lý, khai thác tốt nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” sẽ hiện thực hóa tiềm năng của cây nhãn trên địa bàn tỉnh, giữ và đẩy cao hơn nữa tốc độ tăng trưởng 10% hiện nay của loại cây có giá trị cao này.
Để đảm bảo khai thác tốt nhãn hiệu, nhất là việc đưa “Nhãn Sơn La” trở thành một thương hiệu mạnh trong và ngoài nước, Cục Sở hữu trí tuệ kiến nghị tỉnh Sơn La chỉ đạo việc xây dựng các giải pháp đồng bộ cho sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị kết hợp với chuyển đổi số.
Trong đó, việc tổ chức và vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra khai thác lợi thế độc quyền đối với sản phẩm đặc sản; Quảng bá, tiếp thị và bảo vệ tốt thương hiệu “Nhãn Sơn La” trên thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cần có những giải pháp hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, chế biến đối với sản phẩm nhằm bảo vệ uy tín, chất lượng, giải quyết tốt vấn đề cung cầu của thị trường.