Cú sốc cho “gã khổng lồ” của Trung Quốc
Huawei, nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba và cũng là nhà cung cấp thiết bị thông tin liên lạc hàng đầu thế giới. Ảnh: The Guardian
Bài liên quan
Mỹ và Trung Quốc: Cuộc "chiến tranh lạnh" chưa có từng có trong lịch sử
Những hình ảnh ấn tượng tuần qua
Liên hợp quốc siết chặt buôn bán rác thải nhựa
Cuba quay lại thời kỳ tem phiếu
Đòn khơi mào của Mỹ
Hành động trên được cho là bắt nguồn từ sắc lệnh của Tổng thống Trump công bố tuần trước. Cụ thể, ngày 15/5, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.
Động thái này có thể gây khó khăn cho việc kinh doanh điện thoại thông minh Huawei bên ngoài Trung Quốc. Gã khổng lồ công nghệ này sẽ ngay lập tức mất quyền truy cập vào các bản cập nhật cho hệ điều hành Android của Google. Phiên bản điện thoại thông minh Android tiếp theo của Huawei cũng sẽ mất quyền truy cập vào các dịch vụ phổ biến bao gồm Google Play Store và các ứng dụng Gmail, YouTube.
Theo hãng tin Bloomberg, các tập đoàn hàng đầu của Mỹ từ nhà sản xuất chip đến Google đã đóng băng cung cấp phần mềm và linh kiện quan trọng cho Huawei. Việc này nhằm tuân thủ sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Trump. Các nhà sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã ra thông báo nội bộ rằng, họ sẽ không cung cấp các sản phẩm linh kiện và dịch vụ cho Huawei cho đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, với vai trò là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, sắc lệnh của Nhà Trắng cũng có thể làm trì hoãn tiến trình triển khai trên diện rộng mạng di động thế hệ 5 (5G) trên toàn thế giới của Huawei. Ngoài Trung Quốc, Huawei cũng đã ký hàng chục hợp đồng triển khai mạng 5G thương mại trên toàn cầu, trong đó có 25 hợp đồng tại châu Âu, 10 hợp đồng ở Trung Đông. Nếu Huawei không được mua linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ thì các hợp đồng này khó có thể hoàn thành.
Nhiều viện nghiên cứu, đại học Mỹ cũng tạm ngừng hợp tác với Huawei. Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts (MIT) - cơ quan nghiên cứu uy tín của Mỹ - đã quyết định cắt giảm các hạng mục nghiên hợp tác trong tương lai với hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc gồm Huawei và ZTE. Lý do được đưa ra là hai công ty này đang bị giới chức Mỹ điều tra về các hoạt động được cho là vi phạm các biện pháp trừng phạt. Ngoài MIT, một số trường đại học khác của Mỹ gồm Đại học UC Berkeley và Đại học Stanford cũng có những động thái tương tự khi cắt đứt mối quan hệ nghiên cứu với Huawei sau những cáo buộc điều tra của giới chức nước này.
Hiệu ứng cấm vận Huawei của Mỹ bắt đầu lan sang châu Âu. Ngày 20/5, Nikkei Asian Review, đưa tin nhà sản xuất chip của Đức, Infineon đã đình chỉ các lô hàng cung cấp cho Huawei Technologies. Dấu hiệu cho thấy hiệu ứng từ lệnh cấm vận của Mỹ với công ty công nghệ Trung Quốc đang bắt đầu lan ra ngoài nước Mỹ. Doanh thu hàng năm của Infineon được hưởng từ hợp tác kinh doanh với Huawei lên tới 100 triệu USD.
Phản ứng của Huawei
Huawei đã có phản ứng đầu tiên sau khi có tin Google áp đặt đình chỉ hoạt động kinh doanh với hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc này. Trong một tuyên bố, Huawei nhấn mạnh những đóng góp của mình cho sự phát triển của Android trên toàn cầu.
Gần đây nhất, doanh số điện thoại Android của Huawei tăng gấp đôi trong khi mọi nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu khác đều thu hẹp hoặc trì trệ. Huawei cũng trấn an chủ sở hữu các điện thoại hiện tại của Huawei và Honor (thương hiệu công ty con) rằng, họ sẽ tiếp tục nhận được cập nhật bảo mật và dịch vụ sau bán hàng.
Nhiều nhà phân tích thì cho rằng, Huawei đã chuẩn bị đối phó lệnh cấm vận này từ nhiều năm trước. Tập đoàn công nghệ này được cho là đã mua dự trữ những linh kiện quan trọng từ các công ty Mỹ đủ dùng trong một năm.
Ngoài ra, theo SCMP, HiSilicon - công ty con đảm nhận việc sản xuất chip của Huawei - đã chuẩn bị từ nhiều năm trước cho kịch bản không mua được linh kiện quan trọng từ Mỹ.
Thông qua HiSilicon, Huawei đã phát triển chip riêng để sử dụng cho smartphone và các sản phẩm mạng của họ, thay thế linh kiện của Intel và Qualcomm. Vào tháng 3 vừa qua, công ty này cũng xác nhận đã phát triển hệ điều hành riêng cho smartphone và tablet trong trường hợp không thể sử dụng sản phẩm từ nhà cung cấp của Mỹ.