Hàn Quốc cần trên 62.000 lao động nước ngoài
Nhân viên sân bay Quốc tế Incheon lắp đặt lại hệ thống ghế ngồi dành cho hành khách tại sảnh đến (Ảnh: TTXVN) |
Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc thông tin năm nay, việc phân bổ hạn ngạch lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được mở rộng lên mức 61.631 người, tăng hơn 10.000 người so với năm 2023.
Hạn ngạch lao động nông nghiệp năm nay đã tăng 4,9 lần so với mức 12.616 người của năm 2021. Trong đó, lao động thời vụ tăng 28% từ 35.604 năm ngoái lên 45.631 năm nay.
Bộ chủ quản cho biết để đáp ứng các điều kiện thiết yếu cho lao động thời vụ, Bộ đã chủ trương xây dựng ký túc xá cho lao động nông nghiệp nước ngoài. Khu ký túc xá mới đã dược hoàn thành tại ở huyện Gochang tỉnh Bắc Jeolla đầu tháng 5 vừa qua.
Ông Kwon Jae-han, người đứng đầu bộ phận chính sách đổi mới nông nghiệp, cho biết để cải thiện điều kiện nhà ở cho công nhân nông nghiệp, bao gồm cả người nước ngoài, Bộ Nông nghiệp có kế hoạch hoàn thành tổng cộng 10 ký túc xá cho công nhân nông nghiệp, bao gồm cả khu ở Gochang vào cuối năm nay và xây dựng thêm 10 ký túc xá mới cho đến năm 2026.
Ngoài ra, việc sửa đổi Nghị định thi hành Luật đất nông nghiệp sẽ cho phép sử dụng nhà ở của nông dân trong các khu vực khuyến nông làm nơi ở cho người lao động trong và ngoài nước và việc mở rộng giới hạn trên về diện tích nhà ở tại khu vực nông thôn từ 660m2 hiện tại lên 1.000m2 sẽ được triển khai từ tháng 7 tới.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết nhu cầu nhân lực nông nghiệp thời vụ năm nay tương tự năm trước, ở mức 24,29 triệu lượt người/năm. Tuy nhiên, điều kiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được cải thiện so với những năm trước do phân bổ lao động nước ngoài được mở rộng.
Bộ Nông nghiệp có kế hoạch cung ứng khoảng 12,11 triệu lượt người, tăng khoảng 38% so với 8,77 triệu người của năm 2023, thông qua môi giới và trợ giúp nhân lực trong nước cũng như nguồn lao động thời vụ từ nước ngoài.
Theo ông Kwon Jae-han, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc sẽ nỗ lực cung cấp nhân lực nông nghiệp kịp thời để ngăn chặn vấn đề thiếu lao động trong mùa canh tác bận rộn; đồng thời sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng cung cầu nhân lực và chi phí lao động nông nghiệp để có biện pháp ứng phó nhanh khi có vấn đề phát sinh.