Cùng kiến tạo mạng internet an toàn, lành mạnh cho con trẻ
Tọa đàm trực tuyến “SNET - Online chuẩn, mùa hè vui” với sự tham gia của các diễn giả: Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, chuyên gia giáo dục kỹ năng số; Anh Lê Xuân Đức, chủ Facebook “Bố Con Sâu”.
Các diễn giả tham gia tọa đàm |
Trẻ em và những nguy cơ từ môi trường mạng
Trước tác động của đại dịch Covid-19, trẻ em đã và đang trải qua một mùa hè đặc biệt: Không du lịch, không vui chơi ngoài trời, không gặp gỡ bạn bè… mà chỉ có thể ở trong nhà. Khi ở nhà và thiếu sự tương tác trực tiếp, trẻ em có xu hướng sử dụng internet nhiều hơn so với thời gian trong năm học.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng internet quá nhiều cũng ảnh hướng xấu tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Trẻ cũng gặp những nguy cơ mất an toàn trên mạng internet như bị lừa đảo, đánh cắp mật khẩu, thông tin cá nhân, đặc biệt là bị quấy rối, xâm hại, bắt nạt trên mạng… Trẻ em chưa có cái nhìn cũng như kiến thức đầy đủ về internet sẽ rất khó để có thể tự nhận biết những rủi ro, nguy hiểm và tự phòng tránh.
Toạ đàm “SNET - Online chuẩn, mùa hè vui” được phát sóng trên các fanpage: MSD Vietnam, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em và Lan tỏa yêu thương nhằm chia sẻ cho cha mẹ, người chăm sóc các kiến thức và cách thức bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng.
Dưới sự điều phối của bà Trần Vân Anh, Giám đốc chương trình Viện MSD, các diễn giả đã chia sẻ những hoạt động, nỗ lực của các bên liên quan xây dựng môi trường mạng lành mạnh cho trẻ em. Các diễn giả cũng chia sẻ những cách thức để các bậc phụ huynh, người chăm sóc đồng hành cùng trẻ sử dụng internet an toàn và hiệu quả. Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng để thực hiện được cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là gia đình.
Mạng lưới lá chắn an toàn cho con trẻ
Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Chia sẻ thêm về chương trình, ông Hoàng Minh Tiến cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ trẻ em trên môi trường internet.
Chương trình có một số điểm đặc biệt như: Đó là chương trình liên ngành, đa ngành với sự tham gia của tất cả các bên liên quan tới trẻ em từ Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường… Có thể nói, đây là nỗ lực chung tay của cả hệ thống để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em; Chương trình lấy trẻ em làm trung tâm.
Chúng tôi mong muốn có thể cung cấp cho trẻ em bộ kỹ năng số - một bộ miễn dịch số giúp trẻ có thể tương tác lành mạnh và được bảo vệ trên môi trường mạng”.
Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền Thông tham dự trực tuyến |
Về vấn đề nhiều nội dung độc hại đang tràn lan trên internet hiện nay, ông Tiến chia sẻ: “Chúng tôi ước tính đến 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung còn là sự phối hợp giữa nền tảng và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta cũng có trách nhiệm nâng cao nhận thức và đạo đức cho người sử dụng và trẻ em trên môi trường mạng. Người sản xuất phải chú ý nội dung phù hợp với tâm sinh lý của trẻ và thuần phong mỹ tục Việt Nam. Điều trên hết, tôi cũng nhấn mạnh, đó là vai trò của gia đình làm lá chắn cho trẻ”.
Chia sẻ về việc áp dụng chương trình quốc gia trong thực tiễn bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là một trong những chương trình mà Cục Trẻ em quan tâm. Trong thực tiễn, gần đây Cục Trẻ em đã nhận được khá nhiều thắc mắc, đặc biệt trong riêng tháng 5 có tới 40 cuộc gọi liên quan tới vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, hơn 30 cuộc gọi phản ánh về những kênh, clip có nội dung không phù hợp với trẻ em. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để ngay lập tức xử lý.
Với việc chương trình quốc gia được phê duyệt, chắc chắn sự phối hợp giữa các bên liên quan để ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ hiệu quả, nhanh chóng, quyết liệt hơn. Điều đó không chỉ dựa vào nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn cả các tổ chức xã hội, trung tâm công tác xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình và nhà trường. Rất nhiều kênh, tổ chức và cá nhân khác nhau dù chưa có tên trong mạng lưới nếu có những kiến nghị hay bắt gặp những nội dung không phù hợp thì đều có trách nhiệm báo cáo, phản ánh để góp phần nỗ lực chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em |
Cùng kiến tạo mạng internet an toàn
Bình luận về việc thành lập mạng lưới, anh Lê Xuân Đức, Facebook “Bố Con Sâu” cho biết: “Là một phụ huynh, biết tới thông tin về chương trình quốc gia và mạng lưới, tôi thực sự ấn tượng vì cách tiếp cận tôn trọng quyền của trẻ và có các chương trình hỗ trợ cha mẹ đồng hành cùng con cái. Đồng thời, tôi thấy mình và những người sáng tạo nội dung cần có trách nhiệm trong việc trau dồi kiến thức, tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia để xây dựng các chương trình có tính giáo dục, thẩm mỹ tích cực, hướng thiện cho con trẻ".
Cùng kiến tạo mạng internet an toàn, lành mạnh, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, chia sẻ: “Để chương trình quốc gia có thể thành công, vai trò của trẻ em và gia đình là rất lớn. Trước hết, phụ huynh cần biết tôn trọng quyền sử dụng internet của trẻ. Đúng theo tinh thần của chương trình quốc gia, gia đình đóng vai trò đồng hành để trẻ em có thể tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng. Thay vì việc chỉ trông chờ các cơ quan quản lý Nhà nước “thanh lọc” môi trường mạng, trẻ em và gia đình có thể chủ động trong việc học hỏi và xây dựng các kiến thức, kỹ năng, tạo sức đề kháng cho bản thân trước các thông tin xấu độc. Ngoài ra, gia đình có thể sử dụng quyền lực mềm của mình báo cáo các kênh, chương trình không phù hợp để đào thải, không có cầu ắt sẽ giảm cung”.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD |
Thêm vào đó, bà Linh cũng cho biết, nếu muốn loại bỏ những chương trình không phù hợp, thay vì ồ ạt chỉ trích sẽ dẫn đến việc các phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo) hiểu nhầm mọi người quan tâm chủ đề này và sẽ hiện thị nhiều hơn, thì chúng ta nên nói nhiều đến những thứ tốt đẹp, tích cực trên môi trường mạng. Tù đó, các nội dung này được ưa chuộng - đó là cách “thanh lọc” tự nhiên của người dùng”.