Cùng Lữ Mai và Nguyễn Quang Hưng "Từ núi đồi gặp phố"
Bìa cuốn sách "Hà Nội không vội được đâu" của Lữ Mai
Bài liên quan
Xuất bản bộ truyện hấp dẫn độc giả trẻ thời đại 4.0
Ra mắt cuốn sách được coi là mốc son trong sự nghiệp cầm bút của Cornell Woolrich
Khám phá bí quyết vượt qua những mất mát, tổn thương trong "Chữa lành nỗi đau"
Tọa đàm "Số phận những đứa trẻ trong thế chiến II"
Tham dự chương trình có: TS. Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc - Tổng biên tập NXB Văn học; PGS.TS. Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Nhà văn Đỗ Bích Thúy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, biên tập viên kênh Truyền hình Nhân dân; Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo – đồng nghiệp của hai tác giả. MC - Diễn giả chương trình: Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa -Văn nghệ - Báo Nhân dân.
"Hà Nội không vội được đâu" và "Nối những vệt không gian" là hai tập tản văn của hai cây bút thuộc thế hệ trẻ, đang ở vào độ sung sức trong sáng tác. Điểm chung của 2 tác phẩm là mảng đề tài về Hà Nội với những cảm nhận đa dạng về đời sống xã hội, văn hóa, dòng chảy truyền thống, nhịp sống đương đại… Những biểu hiện đó diễn ra trong các không gian, khu vực khác nhau của Hà Nội trên hành trình mở rộng, phát triển, vừa đón nhận những cái mới, vừa lưu giữ, truyền nối những giá trị đặc sắc của lịch sử, văn hóa, con người.
Hai tác phẩm chia sẻ những suy ngẫm, thái độ sống cùng tình yêu đối với Hà Nội hôm nay của những người thuộc thế hệ công dân trẻ đang sống, làm việc và trưởng thành tại Hà Nội.
Tác phẩm "Hà Nội không vội được đâu" là tập văn xuôi (gồm tản văn và một số truyện ngắn) của tác giả Lữ Mai được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2014, tái bản năm 2019. Sau ấn phẩm này, dự kiến, cuối tháng 4 năm 2019, Lữ Mai sẽ ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Linh hồ do NXB Văn học ấn hành.
Hà Nội không vội được đâu là những trang viết của một người trẻ, xuất thân từ miền đất khác (miền sông Mã của tỉnh Thanh Hóa), cảm nhận về Hà Nội của ngày hôm nay với nhiều đổi thay, vỡ vạc. Cuốn sách không chỉ gồm những tản văn viết về Hà Nội mà còn ẩn chứa góc nhìn từ những trải nghiệm Hà Nội vọng về cố hương, ký ức trong nguồn cảm hứng “sống chậm, nghĩ chậm từ Hà Nội”.
"Hà Nội không vội được đâu" có nhiều tác phẩm được tác giả viết từ thời sinh viên, khi mới chạm ngõ nghề viết, cách đây hơn chục năm. Có thể coi đó như những cảm xúc ngỡ ngàng, non nớt, hồn nhiên của một người từ xa Hà Nội về ngụ tại mảnh đất thị thành qua con đường học tập, mưu sinh.
Nhận xét về tập sách này, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cho rằng: “Lữ Mai tự nhận mình chỉ là “đứa con ruộng đồng” đang “ở trọ phố phường” nhưng đọc mảng tản văn của chị viết về Hà Nội, tôi có cảm giác như chị đã chạm được vào hồn cốt Hà Nội, không chỉ một Hà Nội hiện đại trẻ trung “phơi phới sắc thị thành”, mà còn là một Hà Nội xưa cũ lắng sâu.
Giữa tất bật “vật vờ trong hỗn độn công việc” để mưu sinh, chị luôn biết mài sắc, căng mở giác quan để sống chậm, để cảm nhận tất cả chất thơ của Hà Nội, để nghe “những viên đá xếp lát dưới chân đang bồi hồi kể chuyện”. Đây là cách Lữ Mai “tự mình xếp lại một không gian, tự mình xây nên một tâm trạng đầy nhạc, một khoảng tự do”, để rồi, trong vương quốc tự mình kiến tạo, với một thứ chủ nghĩa duy mĩ duy cảm riêng mình, chị cứ thế chăm chút, nhẩn nha, nhấn nhá thả/nhả chữ…”.
Lữ Mai tên đầy đủ là Lữ Thị Mai, sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp khóa 10 Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du), hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân dân. Chị là một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Lữ Mai viết song song cả hai thể loại: văn xuôi và thơ. Nhiều tác phẩm văn xuôi của chị được các Nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Văn học tuyển trong các tuyển tập truyện ngắn hay, truyện ngắn mới… suốt 10 năm qua.
Các tác phẩm đã xuất bản: Giấc (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2010; Hà Nội không vội được đâu (văn xuôi), NXB Văn học, 2014; Mở mắt rồi mơ (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2015; Thời cách ngăn trống rỗng (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2019.
Khác với cái nhìn về Hà Nội của Lữ Mai, "Nối những vệt không gian" của Nguyễn Quang Hưng là sự phản chiếu những chuyển động trong đời sống của tác giả, qua con mắt một người trẻ nhận thấy ở vẻ đẹp văn hóa truyền thống và trong vẻ đẹp tâm hồn, tâm tính con người những giá trị bền vững.
Đồng thời, nhận ra sự cần thiết việc kết nối đời sống hiện đại với nguồn mạch quá khứ, lưu giữ và vận dụng bản sắc, “dữ liệu” sống từ hôm qua đến hôm nay để gây dựng, duy trì những giá trị của cuộc sống mới. Và cùng với đó, kiến tạo tương lai.
Nhiều trang tản văn trong cuốn sách, vì thế, là sự lắng nghe, nhập cuộc vào hơi thở đời sống hiện tại của những con người, đường đất, làng mạc, đồi núi, phố phường quanh mình. Để thiết tha với những vẻ đẹp phong phú trên những nẻo quê hương mà con người ta đang nuôi giữ, lan tỏa và tiếp tục sáng tạo.
Những dòng tản văn, vì thế, là sự đan cài các hình ảnh, chi tiết sống mà tác giả thu nhận, trân quý trên đường sống, đường nghề văn - báo của mình.
Một nét hoa văn phố, một bóng cây cổ thụ trầm mặc, một tiếng hát vẳng lên từ quê vắng, một dáng núi xứ Đoài dựng lên sau cơn mưa, một món cổ vật nâng trên tay người, những làn khói sương lọc qua luồng nắng khu vườn, câu chuyện kể vu vơ về đất, về người từ miệng ai đó bỗng gặp, một chiếc bánh tẻ vừa bóc, một dáng người nào đó sau khung cửa, hình ảnh một đạo diễn đêm về gõ trống hát cùng người mẹ già đã lẫn, dòng nước mắt trên má người nghệ sĩ đang thủ vai, ước mơ về thăm quê lúc cuối đời của một cụ già…, nếu nhìn, nếu lắng nghe và suy ngẫm, mỗi người sẽ nhận ra nhiều nội dung sống để làm phong phú thêm cho mình.
Cũng bởi cảm nhận thấy sự sinh động, đa dạng ấy, nên những trang tản văn của Nguyễn Quang Hưng là tiếng gọi lên đường, rong ruổi, để tha thiết, chân thành và trân quý những gì là cơ may đón nhận. Và cũng bởi dấu ấn của không gian sống và làm việc, cùng những yêu dấu gia đình, dòng họ, mà cả tập sách này, tác giả gắn bó với đề tài Hà Nội.
Đó là Hà Nội của trung tâm Thủ đô, Hà Nội nơi tiếp giáp và Hà Nội mở rộng của những con đường xứ Đoài dẫn ra làng quê ngoại thành, dẫn vào những nẻo núi sông kỳ thú. Đó là suy nghĩ chân thành về việc yêu giữ, tôn vinh những đẹp đẽ của Hà Nội xưa cũ, của Hà Nội rộng lớn, Hà Nội mới mẻ hôm nay.
Làm giàu con người mình bằng tâm hồn phố xá, làng mạc và tấm lòng tôn quý thiên nhiên, trân trọng những giá trị văn hóa, nghệ thuật được đúc kết và tiếp tục sáng tạo. Có thể coi đó là thông điệp xuyên suốt tập sách này.
Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980 tại Hà Đông - Hà Nội, hiện công tác tại Báo Thời Nay - ấn phẩm của Báo Nhân dân. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Các tác phẩm đã xuất bản: Vườn ánh sáng (thơ), NXB Hội nhà văn, 2008; Mùa Vu Lan (thơ), NXB Hội nhà văn, 2011; Tiếng hạc trong trăng (ký chân dung), NXB Thanh niên, 2011, NXB Văn học tái bản năm 2017; Lòng ta chùa chiền (thơ), NXB Hội nhà văn, 2013; Chia ngũ cốc (thơ), NXB Hội nhà văn, 2015; Nước non mặt biển, trường ca, NXB Lao động, 2015; Năm tháng mặt người, tản văn, NXB Phụ nữ, 2016; Cột mốc trong người (thơ), NXB Quân đội nhân dân, 2017; Nối những vệt không gian (tản văn), NXB Văn học, 2019.
Anh cũng đã đoạt các giải thưởng như: Giải Nhì cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” - Làng Chùa 2006-2007; Giải Nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015-2016.