Đà Nẵng: Tìm giải pháp đột phá phát triển kinh tế số
Thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế số Thanh toán điện tử thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế số Bình Dương: Kinh tế xanh gắn với kinh tế số |
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học về phát triển kinh tế số tổ chức tại TP Đà Nẵng |
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vừa phối hợp với Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số; cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.
Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Phát triển kinh tế số: Định hướng và giải pháp chính sách”.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Văn Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhấn mạnh, đối với Việt Nam, thúc đẩy kinh tế số có thể được xem là một trong những chiến lược quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế, gia nhập chuỗi giá trị cao toàn cầu.
PGS.TS Lê Văn Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo |
Theo báo cáo, thống kê tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% với tốc độ phát triển khoảng 20%/năm.
Báo cáo của Google đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong nhóm những quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế số mạnh của thế giới.
Tuy nhiên, song hành với nhiều cơ hội lớn và rõ nét, kinh tế số Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều vấn đề và thách thức không nhỏ.
Các vướng mắc từ nội tại nền kinh tế trong nước như cơ cấu kinh tế, nguồn lực công nghệ và tập quán kinh doanh cũng như các biến động bất thường từ thế giới đang tạo ra những rủi ro và tác động khó lường đến sự phát triển của khu vực này.
Hội thảo cung cấp thông tin, trao đổi một cách toàn diện về phát triển kinh tế số và xã hội số |
Theo PGS.TS Lê Văn Huy, hội thảo sẽ cung cấp thông tin, trao đổi một cách toàn diện về phát triển kinh tế số và xã hội số đã đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi số trong xã hội và kinh tế, đồng thời tạo ra cơ hội và thách thức mới cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Bên cạnh đó, hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề chính: Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số: Cơ hội và thách thức. “Chuyển đổi số - lộ trình, năng lực, rào cản và thách thức; kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam”. Xu hướng phát triển kinh tế số đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế xã hội toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đề ra.
Các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tham luận, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số |
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/ năm là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đưa ra những giải pháp khuyến nghị phát triển kinh tế số đối với Việt Nam.
Trong đó, thể chế và môi trường pháp lý là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển kinh tế số phải gắn liền với xã hội số; xây dựng xã hội số phải lấy người dân làm trung tâm.
Cùng với đó, tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số một cách tổng thể và toàn diện; nền tảng là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số; đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, các chính sách chuyển đổi số cần được thiết kế và thực hiện với sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan, bao gồm cơ quan công, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và người dân, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch.