Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm khuyến mại cho người đến khám, chữa bệnh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo đảm nguồn nhân lực y tế cho công tác khám, chữa bệnh Xử phạt và đình chỉ nhiều cơ sở y tế vi phạm liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh |
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp |
Ngày 21/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Khuyến khích thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo
Báo cáo việc dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngay sau khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba, Thường trực Ủy ban Xã hội đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các luật khác. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cân nhắc việc xem xét dự án Luật này theo quy trình 3 kỳ họp.
Về nội dung dự thảo Luật, Ban soạn thảo bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng. Đây là chính sách mới đề xuất, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh Nhà nước, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh; Khuyến khích thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; Quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như trên còn chưa hợp lý, cần quy định theo hướng: Phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Cụ thể hóa hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật cũng quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành là do Hội đồng Y khoa thực hiện; Lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, bổ sung quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia…
Dẫn chiếu dự thảo Luật quy định phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (không bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang Nhân dân) thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: Cấp ban đầu, cấp 2 và cấp 3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và tư nhân cũng có những cơ sở y tế rất mạnh nhưng vì sao không được tính vào phân cấp theo hệ thống này.
“Nếu huy động được tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài Nhà nước thì sẽ là sức mạnh tổng hợp trong tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép này cho các cơ quan quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong vấn đề này.
Phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định phải giữ nguyên thời hạn có hiệu lực của luật là từ ngày 1/1/2024 như Chính phủ trình, việc thông qua dự thảo Luật tại 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp sẽ do Quốc hội thảo luận, quyết định. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật với biện pháp thực hiện phù hợp thực tế, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cấm hành vi thu dung, khuyến mại cho người đến khám, chữa bệnh, bởi khuyến mại nếu được áp dụng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội..., cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng.
Dự thảo Luật đã quy định hai hình thức tổ chức cấp cứu, đó là cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh và cấp cứu ngoài cơ sở khám, chữa bệnh, bà Lê Thị Nga cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu quy định tại dự thảo Luật điều kiện hoạt động, điều kiện bảo đảm khi tổ chức và thành lập cơ sở cấp cứu ngoài cơ sở khám, chữa bệnh; nguyên tắc, tiêu chí tổ chức hệ thống cấp cứu, cơ chế thanh toán, nguồn kinh phí chi trả cho hình thức vận chuyển cấp cứu trong trường hợp tai nạn, thiên tai, thảm họa.
Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, các quy định về xã hội hóa, tài chính y tế trong dự thảo Luật là những vấn đề mới, được đưa vào luật với mong muốn giải quyết được những khó khăn, bất cập trong thực tiễn nhiệm vụ của ngành Y tế. Cho biết có đến 95-98% người dân thực hiện khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, dù cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa, tự chủ… thì vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các bộ, ngành có liên quan thực sự quan tâm, nỗ lực vào cuộc, phối hợp cùng Bộ Y tế, các cơ quan của Quốc hội để hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư bảo đảm chất lượng cao nhất.