Đại biểu Quốc hội đề xuất phát triển các tuyến đường sắt đô thị ở những đô thị lớn
Đại biểu Quốc hội: Phụ huynh lo lắng về tật ở mắt của trẻ em khi học trực tuyến lâu dài Đại biểu Quốc hội: Vẫn còn một bộ phận cán bộ cơ sở lơ là, bị động trong phòng, chống dịch |
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đón khách từ ngày 6/11 |
Thảo luận về kinh tế- xã hội chiều 8/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, qua 4 tháng cách ly nghiêm ngặt để phòng, chống dịch, thì kinh tế nước ta đã “rơi thẳng đứng” từ mức tăng trưởng 6,61% trong quý II xuống âm 6,17% trong quý III. Hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa sau mỗi tháng và hàng nghìn người mất việc làm phải rời bỏ về quê hương. Điều đó cho thấy, sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của các doanh nghiệp đang bị suy kiệt. Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bổ lại chuỗi cung ứng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) |
Để làm được điều này, theo đại biểu Cường, cần chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường.
"Nếu ngân sách dành ra khoảng 40 nghìn tỉ đồng để cấp bù, chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu tỉ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán”, đại biểu Cường nói.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, trong hoạt động đầu tư công, có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng, trước tiên là đường sắt. Những đô thị lớn nước ta đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị; với địa hình đất nước kéo dài, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng cần phát triển.
“Chúng ta không thể cứ đi vay tiền về để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ. Hệ luỵ không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua mà đang để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và phải phụ thuộc lâu dài vào các nhà cung cấp nước ngoài. Nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với các thành tựu của nền công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt hiện đại của riêng mình”, đại biểu nêu.
Ưu tiên thứ hai là kinh tế biển, lĩnh vực đầy tiềm năng chưa được khai thác. Chính phủ cần đặt hàng để hình thành các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần vận tải biển; bắt tay kết nối với các cảng quốc tế bên bờ Thái Bình Dương, biến Vân Phong trở thành trung tâm trung chuyển vận tải biển quốc tế có lợi thế không thua kém so với Singapore và còn có lợi thế hơn nhiều các cảng khác ở khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương. Đó không chỉ là tiền đề để khai thác tiềm năng kinh tế biển mà còn là cơ sở quan trọng để bảo đảm an ninh và chủ quyền trên Biển Đông.
Ưu tiên thứ ba, để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát bảo đảm an toàn cho tài sản số quốc gia. “Phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn, không chỉ để khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn thu hút các dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát”, đại biểu nhấn mạnh.