"Đại biểu quốc hội nhí" hiến kế phòng chống xâm hại, bạo lực
Những gương mặt xuất sắc ở phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” |
Nằm trong khuôn khổ phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, chiều 9/9, 263 đại biểu thiếu thi chia tổ thảo luận tập trung vào 2 chủ đề: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”; “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Nhiều giải pháp được đại biểu thiếu nhi nêu ra nhằm bảo vệ trẻ em an toàn.
Các vị đại biểu tham dự phiên thảo luận |
Xâm hại có thể… từ người thân trong gia đình
Theo bạn Trần Minh Đăng (đoàn Quảng Bình), vấn nạn tảo hôn, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em thực sự rất đáng báo động. Các khảo sát cho thấy, trung bình mỗi năm có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em.
“Việc xâm đến từ chính những người quen biết, người thân trong gia đình... Điều đó sẽ để lại bóng đen tâm lý cho trẻ em khiến các em không thoát ra được những ám ảnh”, Đăng chia sẻ.
Đại biểu thiếu nhi thảo luận theo nhóm |
Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn ở miền núi cao. Trong khi đó, tảo hôn cũng là một hình thức xâm hại trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng do gia đình chưa thực sự quan tâm đến con cái. Về phía nhà trường, chưa có tuyên truyền sinh động để học sinh nắm được thực trạng xâm hại trẻ em. Nhiều trường chưa có phòng tư vấn tâm lý để giúp học sinh vượt qua ám ảnh của việc xâm hại.
Để giải quyết tình trạng này, Minh Đăng và các thành viên trong nhóm thảo luận đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề và phải bắt đầu từ chính trẻ em. Các bạn trẻ cần chọn lọc thông tin từ nguồn chính thống, tìm hiểu các số liệu, giải pháp từ đó có thể đề phòng. Trẻ em có hiểu biết cũng chính là những tuyên truyền viên trong nhà trường, giúp tư vấn tâm lý cho bạn bè.
Đại biểu thiếu nhi trình bày các vấn đề thảo luận |
Đối với nhà trường, cần xây dựng được đội ngũ tâm lý, thay đổi cách thức truyền tải. Việc tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng THCS và tiểu học. Đối với THCS có nhiều cơ hội tiếp cận điện thoại thông minh nên tận dụng facebook, tiktok xây dựng các video clip hấp dẫn để truyền tải.
Xây dựng hệ thống kiểm duyệt tin xấu
Quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường, bạn Trần Nguyễn Song Khuê (đoàn Bình Dương) nêu ra các vụ việc cụ thể từng xảy ra trong thực tế như nữ sinh bị đánh hội đồng, lột đồ và đưa lên mạng. Song Khuê cũng thông tin, thông qua khảo sát hơn 400.000 trẻ em cho thấy, khoảng 33% bị xâm hại tinh thần, 45% giải quyết xung đột bằng xung đột. Tình trạng xâm hại, bạo lực là vấn đề cấp thiết cần được toàn xã hội quan tâm.
Nhiều giải pháp phòng chống xâm hại, bạo lực học đường được đại biểu chia sẻ |
Một số nguyên nhân được chỉ ra là: Trẻ em chưa được trang bị kiến thức, phụ huynh chưa quan tâm giáo dục con cái, hình thức tuyên truyền nhàm chán.
Do đó, Song Khuê và nhiều đại biểu khác đề nghị, cần mở rộng tuyên truyền lên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok; Ưu tiên tuyên truyền qua đài truyền hình quốc gia vào khung giờ vàng để phụ huynh nắm được thông tin và quan tâm hơn đến con em; Xây dựng hệ thống kiểm duyệt tự động để lọc thông tin xấu độc.
Đại biểu tại các tổ thảo luận sôi nổi |
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề cần sự phối hợp của các bộ, ngành. Bộ Giáo dục sẽ tổ chức nhiều chương trình giáo dục kỹ năng miễn phí, có kiểm tra, giám sát thường xuyên qua các chuyến thăm trường, dự giờ đột xuất.
Bộ Y tế nên nâng cao chất lượng hệ thống phòng tham vấn, đặc biệt ở các trường học. Bộ Công an, giám sát và xử lý nghiêm minh hơn kẻ bắt nạt,bắt nạt học đường.
Ngoài ra, các đại biểu thiếu nhi cũng đề xuất cần tăng cường giáo dục tiền hôn nhân và giao cho Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ cũng như các đoàn thể chính trị khác đảm nhận.
Tham dự tại tổ thảo luận số 2 có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Danh Tú; Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng ban tổ chức phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" Nguyễn Phạm Duy Trang; Trưởng ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Lê Hải Long. Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Danh Tú bày tỏ sự vui mừng khi thấy các em thiếu nhi rất chững chạc. Việc giới thiệu, điều hành như ở tổ thảo luận Quốc hội thật. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Danh Tú, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I thể hiện quyền tham gia của trẻ em vào những vấn đề của chính trẻ em. Sau phiên họp, các em có thêm hiểu biết và tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội tới gia đình, bạn bè. “Các em sẽ phát huy nhận thức, thể hiện hiểu biết, tâm tư, suy nghĩ của bản thân. Từ đó, nhiều ý kiến xác đáng được phản ánh với Quốc hội và các cơ quan liên quan giúp cho các quyết sách sát thực tế hơn nữa”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Danh Tú chia sẻ. |