Đại dịch Covid-19: Giới siêu giàu mạnh tay chi tiền mua quốc tịch thứ hai
Các triệu phú thế giới muốn đóng thuế nhiều hơn để chống Covid-19 Trốn dịch kiểu siêu giàu Xu hướng tìm "nơi trú ẩn" mùa dịch của giới siêu giàu |
Công ty tư vấn cư trú Henley & Partners, Anh cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2020, họ nhận được yêu cầu tăng 49% từ khách hàng trong việc muốn mua thêm quốc tịch thứ hai.
Trong đó, Montenegro và Cộng hòa Síp nhận được đơn đăng ký mới chương trình đầu tư nhận quốc tịch tăng lần lượt là 142% và 75% trong quý đầu năm 2020 so với quý IV năm 2019. Bên cạnh đó, Cộng hoà Malta cũng là cái tên nổi bật.
“Nhiều người quan tâm đến Cộng hòa Síp và Cộng hòa Malta bởi hai quốc gia này tạo điều kiện để người đăng ký và gia đình họ được tự do đi lại qua Liên minh Châu Âu và hưởng chăm sóc y tế, giáo dục tốt hơn", ông Dominic Volek tại công ty Henley & Partners tiết lộ.
Australia và New Zealand cũng nhận được nhiều sự quan tâm khá bởi khả năng xử lý khủng hoảng dịch của hai quốc gia này.
Trong 9 tháng qua, các cá nhân nộp đơn là công dân Mỹ, Ấn Độ, Nigerian và Liban đã tăng mạnh. Chỉ riêng quý đầu năm 2020, số người Mỹ nộp đơn đã tăng 700%, so với quý cuối năm 2019. Công dân Trung Quốc và Trung Đông cũng giữ ở mức trung bình trong chương trình đầu tư nhận quốc tịch.
Hộ chiếu Síp hấp dẫn giới siêu giàu thế giới trong dịch Covid-19 (Ảnh: GIS) |
Giới siêu giàu khi muốn có thêm một cuốn hộ chiếu ở những nước này cần phải tham gia vào chương trình trở thành công dân nhờ đầu tư (CIP), thường áp dụng đối với bất động sản, tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng hoặc trái phiếu Chính phủ.
Một vài quốc gia không rao bán trực tiếp quốc tịch nhưng họ có một chương trình thường gọi là “thị thực vàng”, tặng cho các nhà đầu tư chứng nhận lưu trú dài hạn. Trong nhiều trường hợp, sau khoảng thời gian 5 năm, người có chứng nhận trên sẽ được cấp quốc tịch.
CIP đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1984 bởi đảo quốc St Kitts và Nevis. Từ đó đến nay, có nhiều quốc gia khác cũng áp dụng chương trình này bao gồm Áo, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Montenegro…
Hiện tại trên thế giới, Caribe là khu vực có mức đầu tư cho các chương trình CIP thấp nhất. Một cuốn hộ chiếu ở St Kitts and Nevis có giá 150.000 USD, trong khi con số này ở Antigua, Barbuda và Granada chỉ khoảng 100.000 USD.
Chi phí để có quốc tịch ở Cộng hòa Malta và Cộng hòa Síp dao động từ 1,1 triệu đến 2,2 triệu USD.
Mức giá đối với CIP tại Australia là 1 - 3,5 triệu USD, trong khi đó các cá nhân quan tâm đến New Zealand cần chuẩn bị từ 1,9 - 6,5 triệu USD.
Có khoảng một nửa các quốc gia liên minh Châu Âu đang áp dụng chương trình CIP. Tùy theo loại hình đầu tư, mức giá để có tấm hộ chiếu quyền lực có thể di chuyển tới 170 quốc gia khác không cần thị thực rơi vào khoảng 500.000 USD tới hơn 1 triệu USD.
Tuy nhiên, năm 2018, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã chỉ trích CIP tại Cộng hòa Malta, Cộng hòa Síp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bởi cho rằng chương trình này đã “bán khả năng tự do di chuyển trong khối Schengen cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không có nhiều xem xét kỹ lưỡng hoặc thẩm tra”.