Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam: Khơi gợi lối sống hướng thiện của con người
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc ngày 12/5.
Bài liên quan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2019
Chùa Tam Chúc - Nơi tổ chức Đại lễ Vesak 2019
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc
Sáng 12/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” chính thức khai mạc tại hội trường chính của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Trong diễn văn chào mừng Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt đời sống và các cấu trúc truyền thống, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải cùng nhau phát huy những giá trị cốt lõi của đạo Phật về tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp và hòa bình thông qua con đường bát chánh đạo nhằm góp phần giải quyết những thách thức vấn nạn toàn cầu.
Hơn 1.600 đại biểu quốc tế dự Vesak 2019 |
Chủ đề của Đại lễ Vesak 2019 là “Cách tiếp cận của phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống; qua đó cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của phật giáo ngày càng được khẳng định.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn mong muốn các hội thảo khoa học quốc tế tại Đại lễ Vesak LHQ năm nay sẽ tăng cường sự hợp tác giữa các cộng đồng và tổ chức phật giáo thế giới nhằm tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp Phật giáo đối với các mục tiêu mà LHQ theo đuổi, sẽ tập trung vào các khía cạnh chủ đề: Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc diễn văn |
Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc ICDV đánh giá cao công tác tổ chức của Uỷ Ban tổ chức Quốc gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự nỗ lực lớn về mặt thời gian và cả nhiệt huyết nhằm tạo ra thành công cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc và Hội thảo Phật giáo Quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam rất tự hào được Liên Hiệp Quốc tiếp tục chọn làm nơi tổ chức Vesak 2019 với sự tham gia của nhiều tông phái cũng như nhiều người yêu kính Phật giáo trên toàn thế giới.
Thủ tướng cho rằng, thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, các quốc gia ngày càng phát triển, của cải vật chất ngày càng nhiều hơn nhưng cuộc sống hiện thực của người dân tại không ít nơi còn chịu khổ đau do chiến tranh, xung đột, thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Nhiều người với lối sống thực dụng đang xa dần hoặc quên đi những giá trị nhân bản. Sự quan tâm về vật chất quá lớn đã làm rộng ra một cách sâu sắc khoảng cách giữa giàu và nghèo, làm cho nền tảng đạo đức truyền thống của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng. Trước thực tế đó, tại Đại lễ Vesak hôm nay, Thủ tướng kêu gọi, “chúng ta hãy cùng tĩnh tâm, chiêm nghiệm lời Phật dạy để tìm ra giải pháp và cùng nhau hành động để bảo vệ, kiến tạo cho thế giới ngày càng an lạc, tốt đẹp hơn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ tắm Phật |
Thủ tướng đánh giá cao chủ đề thảo luận của Đại lễ Vesak lần này là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” thể hiện trách nhiệm của phật giáo với hiện thực và tương lai xã hội, cũng như thông điệp từ Đại lễ: Mỗi người chúng ta chính là sứ giả của đức Phật, hãy cùng quan tâm, chia sẻ, hiện thực hóa thông điệp về hòa bình, đoàn kết và yêu thương vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đẩy lùi những xung đột, khổ đau, đói nghèo, đưa con người tới cuộc sống an vui, làm tỏa sáng ý nghĩa Vesak trong khắp cõi nhân gian, kiến tạo một cõi Niết bàn trong thế giới hiện thực.
Với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhân dân trên toàn thế giới với tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, vì sự hòa hợp giữa các dân tộc, góp phần củng cố những giá trị văn hóa cao đẹp của toàn nhân loại. Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đồng thời, tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới.
Thủ tướng tin tưởng rằng, “với nỗ lực chung của mỗi chúng ta vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp, thành tựu viên mãn”.