"Đại sứ học tập" trường Mở
Chọn học tiếng Trung để lập nghiệp
Hiện nay, Nguyễn Thị Kim Hoa đang học lớp K24T6, khoa Tiếng Trung Quốc, trường Đại học Mở Hà Nội. Gia đình Hoa có 4 người, bố mẹ đều làm công nhân, không có nhiều thời gian sát sao việc học của con cái. Tuy nhiên, điều đó lại cho Hoa có nhiều “quyền” tự do khám phá thế mạnh bản thân và làm theo ý mình. Trong gia đình, ông nội là người có ảnh hưởng nhất đến cô gái trẻ. Hoa cho biết, ông là cán bộ về hưu, luôn ủng hộ việc học của con cháu và hiểu học tập quan trọng như thế nào. Ông luôn muốn cháu gái học thật tốt để sau này trở thành một phiên dịch giỏi.
Nguyễn Thị Kim Hoa - "Đại sứ học tập" trường Đại học Mở Hà Nội |
Hoa kể, thời điểm đăng ký nguyện vọng vào đại học, cô cảm thấy mông lung. Không được gia đình định hướng nên Hoa tự tìm hiểu các ngành dễ kiếm việc làm và cô cho rằng, biết tiếng Trung Quốc sẽ có cơ hội việc làm phong phú, có cơ hội đi thực tế nước bạn. Sau này cô có thể làm biên dịch, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên tiếng Trung...
Bên cạnh đó, cô tìm hiểu về học phí, nhiều trường khác có mức học phí cao, học bổng khuyến khích học tập chỉ bằng 1/4 Đại học Mở Hà Nội. Vậy nên, cô đã quyết định thi vào khoa tiếng Trung Quốc của trường. Mỗi kỳ, cô sinh viên đều giành được học bổng khuyến khích học tập bằng120% học phí.
Hoa cho biết, ở đây có cả thầy cô giáo là người Trung Quốc và người Việt Nam, không những dạy kỹ năng phát âm chuẩn, nghe tốt, mà còn giúp các bạn học các kỹ năng khác như: Viết thư pháp, cắt dán giấy, diễn kịch Trung Quốc, hát, thuyết trình bằng tiếng Trung. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn được học cả về kinh tế, lịch sử văn hóa Trung Quốc, khiến cho không khí lớp học rất sôi động. Mỗi năm nhà trường đều tổ chức trại hè dành cho sinh viên có thành tích học tập và hoạt động Đoàn, Đội xuất sắc.
Cô sinh viên giành được nhiều giải thưởng của nhà trường |
Tuyên truyền viên tích cực về văn hóa đọc
Từ một người không biết gì về tiếng Trung, khi vào học tại trường Đại học Mở Hà Nội, Nguyễn Thị Kim Hoa được dạy từ đầu từng nét chữ, dấu câu. “Sau 3 năm học tại đây, mình đã có thể tự tin và giao tiếp với người Trung Quốc một cách thành thạo. Mình tự tin đứng trên sân khấu, đạt được một số giải thưởng về hùng biện, đi làm thêm tại nhà hàng Trung Quốc, tự tin nói rằng mình là sinh viên trường Mở”, Hoa chia sẻ.
Mỗi ngày Hoa đặt mục tiêu học 5 tiếng, đối với ngày đi học và 10 tiếng đối với ngày nghỉ. Cô mua giấy 500 trang giấy A4 viết từ mới, lấy giáo trình môn đọc ra học đến khi nào không vấp thì mới thôi. Bài nghe thì cô nghe đến đâu viết ra tới đó. Bài khóa nào cô sinh viên cũng dịch ra tiếng Việt, từ mới luôn học thuộc lòng.
Hoa còn là tuyên truyền viên tích cực về văn hóa đọc |
Cùng với danh hiệu “Đại sứ học tập”, cô gái trẻ còn đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học, tuyên truyền phát triển văn hoá đọc trong thời đại 4.0... Theo Hoa, văn hóa đọc của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ sa sút nghiêm trọng. Ngày càng có ít bạn trẻ thích đọc sách. Họ thích giải trí trên các phương tiện nghe, nhìn hơn là cầm sách đọc.
Guồng quay công việc, bận rộn, nhịp sống hàng ngày cũng trở nên nhanh hơn, vì vậy nhiều người không dành thời gian đọc sách. Xuất phát từ thực tế đó, Hoa mong muốn tham gia chương trình vận động các bạn tích cực đọc sách, quyên góp cho thư viện và đặc biệt là muốn kêu gọi nguồn quỹ giúp các em nhỏ vùng sâu, vùng xa có cơ hội đọc sách nhiều hơn. Nguyễn Thị Kim Hoa cũng đã làm gương quyên góp được một số sách cho thư viện khoa Tiếng Trung, kêu gọi các bạn sinh viên nhà trường tích cực đọc sách.