Đắk Lắk: Cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023 đã thu hút hàng ngàn lượt người tham dự (Ảnh daklak.gov) |
Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ
Sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 vượt kế hoạch đề ra; tổng mức bán lẻ hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Lực lượng lao động, lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động hưởng lương tăng so với cùng kỳ. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, triển khai kịp thời các chế độ, chính sách cho người nghèo, người có công,...
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi nổi, đặc biệt là tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VIII, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tỉnh.
Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 4,84%, đóng góp 0,61 điểm phần trăm; tiếp đến là ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,64%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm.
Ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục có sự bứt phá với mức tăng 4,60%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Đó là điểm đáng ghi nhận trong sự phát triển kinh tế chung của cả tỉnh.
Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp 1,26 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo với mức tăng 4,60%, đóng góp 1,21 điểm phần trăm.
Khu vực Công nghiệp – Xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, chỉ tăng 2,09%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt...tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại, tăng 3,34%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.
Tiếp đến là ngành Cung cấp nước và hoạt động xử lý rác thải tăng 13,18%, đóng góp 0,05 điểm là do các nhà máy nước tăng năng suất hoạt động và doanh thu của ngành hoạt động xử lý rác thải tăng.
Đắk Lắk đang đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh (Ảnh: CTV) |
Cũng theo báo cáo, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 47.262,7 tỷ đồng, đạt 39,29% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 12.579,3 tỷ đồng, đạt 29,16% kế hoạch, chiếm 26,62% trong giá trị tổng sản phẩm.
Khu vực công nghiệp - Xây dựng đạt 9.389,6 tỷ đồng, đạt 44,47% so kế hoạch, chiếm 19,86%. Khu vực dịch vụ đạt 23.069,3 tỷ đồng, đạt 45,15% kế hoạch năm, chiếm 48,81%.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 2.224,5 tỷ đồng, đạt 44,98% kế hoạch năm, chiếm 4,71%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ. Đây cũng là một trong những định hướng phát triển kinh tế ưu tiên hàng đầu mà tỉnh đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 707 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 42,34% KH, giảm 4,59% so với cùng kỳ. Tổng vốn điều lệ đăng ký 5.976 tỷ đồng, giảm 32,6% (bình quân 8,5 tỷ đồng/DN); Tổ chức thành công nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. |
Các nhà khoa học của Công ty Bình Điền đang hướng dẫn các nhà nông kỹ thuật để chăm sóc cây cà phê đạt năng suất cao (Ảnh CTV) |
Tăng trưởng thấp hơn so với kịch bản
Mặc dù tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Đắk Lắk có tăng so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng do biến động của tình hình quốc tế, đặc biệt là xung đột giữa các Nga - Ucraina,… đã tác động tiêu cực đến phạm vi cả nước và của tỉnh.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn còn khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian trước đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa, làm trì trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa khắc phục được những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm.
Trước tình hình khó khăn trên, trong 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính.
Cùng với đó, tỉnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, công nghiệp phần mềm. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm của địa phương, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện công tác phát triển dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh, triển khai thi công đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.