Đắk Nông: Phát triển Tà Đùng trở thành khu du lịch cấp quốc gia
Đắk Nông: Ấm áp chương trình "Tết sẻ chia, năm Rồng khởi sắc" Đắk Nông: Liên tục triệt phá các vụ lừa đảo trên không gian mạng Đắk Nông: Thưởng “nóng” các đơn vị bắt nhanh đối tượng cướp tài sản |
TP Gia Nghĩa được quy hoạch là Trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ của tỉnh Đắk Nông (Ảnh: https://daknong.gov.vn) |
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh quy mô 6.509,27km2.
Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá vùng Tây Nguyên
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Trong đó, tỉnh tập trung phát triển Trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia; năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường.
Cùng với đó, với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.
Theo UBND tỉnh, quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã xác định các ngành, lĩnh vực quan trọng gồm: Công nghiệp; nông, lâm nghiệp; du lịch. Với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, đến năm 2050, Đắk Nông là tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm.
Cùng với đó, Đắk Nông đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít - alumin - nhôm, sau nhôm, trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia; đầu tư các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch quốc gia, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn điện tự sản, tự tiêu…
(Ảnh: https://daknong.gov.vn) |
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước; hình thành các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi tập trung, gắn liền với công nghiệp bảo quản, chế biến ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển nông thôn gắn với nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người nông dân.
Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Đắk Nông cũng nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác như: Thương mại và dịch vụ; thông tin, truyền thông, chuyển đổi số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo; nguồn nhân lực; y tế; văn hóa, thể thao; giảm nghèo, an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.
(Ảnh: https://daknong.gov.vn) |
Phát triển 3 cực động lực tăng trưởng
Theo quy hoạch, tỉnh Đắk Nông tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển".
Trong đó, thành phố Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ của tỉnh; là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ba cực động lực tăng trưởng, gồm: Cực động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R’Lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê, với hạt nhân trung tâm là đô thị Gia Nghĩa.
Cực động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T'ling (huyện Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (huyện Krông Nô) và cực động lực phía Tây Bắc chạy dọc hành lang kinh tế biên giới với hạt nhân trung tâm là đô thị Đắk Mil và đô thị Đức An (huyện Đắk Song), đô thị Đắk Búk So (huyện Tuy Đức).
(Ảnh: https://daknong.gov.vn) |
Bốn trục hàng lang kinh tế, gồm: Trục hành lang đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 14 phát triển theo hướng Bắc - Nam, đóng vai trò huyết mạch giao thương của tỉnh với các tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trục hành lang đường Quốc lộ 28 phát triển về phía Lâm Đồng và các tỉnh Duyên hải Miền Trung, kết nối từ đô thị Gia Nghĩa đến huyện Đắk Glong và nhánh hướng lên phía Bắc, kết nối với huyện Krông Nô.
Trục hành lang đường Quốc lộ 14C phát triển theo biên giới phía Tây, phát triển kinh tế mậu biên, kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng. Trục hành lang kết nối các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút.
Trục hàng lang đường Cao tốc CT02 (hình thành sau khi đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến của dự án): Cơ bản theo trục hành lang Hồ Chí Minh - Quốc lộ 14, với chất lượng cao hơn, trọng điểm hơn, thúc đẩy phát triển nhanh hơn.
Bốn tiểu vùng kinh tế - xã hội, gồm: Tiểu vùng trung tâm (cũng đóng vai trò là cực động lực trung tâm) gồm thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp; Tiểu vùng phía Bắc gồm huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút; Tiểu vùng phía Đông gồm huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong; Tiểu vùng phía Tây gồm huyện Đắk Song, huyện Tuy Đức.
Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 có 10 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II (TP Gia Nghĩa), 1 đô thị loại III (Thị xã Đắk Mil), 2 đô thị loại IV (Thị xã Đắk R’Lấp, Thị xã Cư Jút), phấn đấu đạt 4 đô thị loại IV (Đắk Mâm, Đức An, Quảng Khê, Đắk Búk So) và 2 đô thị loại V (Quảng Sơn, Nâm N’Jang).
Phát triển du lịch về khu vực Tà ĐùngTrong quy hoạch phát triển du lịch, tỉnh Đắk Nông xác định trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn liền với khai thác hiệu quả, phát huy các thế mạnh khí hậu, cảnh quan thiên nhiên. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển du lịch về khu vực Tà Đùng, được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”, cùng với hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Du lịch sẽ được liên kết theo hai tuyến quốc lộ tạo thành kết nối chuỗi du lịch từ vùng Đông Nam bộ - Đắk Nông - Tây Nguyên, từ vùng Duyên hải miền Trung - Lâm Đồng - Đắk Nông - Tây Nguyên. Theo đó, tỉnh thu hút đầu tư phát triển các dự án, điểm du lịch tiềm năng để phát triển khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia, tạo đột phá, động lực để phát triển du lịch toàn tỉnh… Tà Đùng là một hồ nước ngọt trên núi, nằm gọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng của tỉnh Đắk Nông. Với diện tích hơn 3.000ha cùng khoảng hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ giữa hồ, địa điểm này được ví như một Vịnh Hạ Long trên cạn của Tây Nguyên. Vườn quốc gia Tà Đùng cũng là một trong những địa điểm thu hút du lịch. Đây là khu bảo tồn sinh thái tại tỉnh Đắk Nông có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng Việt Nam. |