Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn
Đó là nhận định của TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2020 được tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/11.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho hay, ngày nay không gian mạng trở thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển đảo, trên không, vũ trụ; Là ưu tiên hàng đầu của các nước trên tất cả các cấp độ: Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng được coi là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.
Đại tá Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng, gián điệp, tội phạm mạng không ngừng gia tăng nhằm đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật Nhà nước, phá hoại hệ thống thông tin. Ngày càng nhiều tổ chức tội phạm mạng, tổ chức phản động được thành lập, hoạt động tinh vi, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến trật tự an toàn xã hội, sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia.
Theo số liệu mới nhất được ghi nhận bởi Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, trong tháng 10/2020, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 1.378.107 địa chỉ, giảm 22,42% so với tháng 9/2020 và giảm 24,57% so với cùng kỳ tháng 10/2019.
Tổng số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý trong tháng 10/2020 là 582 sự cố, bao gồm 119 cuộc Phishing, 193 cuộc Deface và 270 cuộc Malware. Tính trong 10 tháng đầu năm 2020, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được cảnh báo, hướng dẫn xử lý là 4.161 sự cố, trung bình 1 ngày chúng ta đã cảnh báo và xử lý cho khoảng 14 sự cố tấn công mạng.
Chia sẻ về định hướng triển khai đảm bảo ATTT, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Khắc Lịch cho biết, muốn Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng, lọt vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số GCI vào năm 2030, chúng ta cần tập trung phát triển định hướng theo 5 trụ cột gồm pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực, hợp tác.
Ông Lịch nêu ra các định hướng lớn khác trong đảm bảo an toàn thông tin thời gian tới, đó là: Bảo đảm ATTT trong chuyển đổi số quốc gia; bảo vệ người dùng trên không gian mạng; Thúc đẩy triển khai mô hình 4 lớp tại các cơ quan tổ chức và xác định định hướng chính của công tác đảm bảo ATTT là con người…