Đảm bảo nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con vùng lũ
Sẵn sàng xe téc cung cấp nước sạch vùng ngập úng
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay vẫn còn hàng ngàn người dân các địa phương phải sơ tán, tránh ngập lụt. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Chương Mỹ với khoảng 8.500 người, huyện Mỹ Đức 2.405 người, huyện Quốc Oai 933 người, huyện Thạch Thất 68 người, thị xã Sơn Tây 89 người...
Để hỗ trợ tiêu úng nhanh khu dân cư, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đang vận hành 140 trạm bơm với 440 tổ máy, tổng lưu lượng gần 1,223 triệu mét khối/giờ.
Ngoài vệ sinh môi trường, chuẩn bị khôi phục sản xuất sau mưa lũ, các huyện tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do lũ lụt. Tại huyện Chương Mỹ vẫn duy trì 5 điểm sơ tán tập trung tại xã Nam Phương Tiến. Huyện đã cấp phát các nguồn lực hỗ trợ cho người dân hơn 2,306 tỷ đồng tiền mặt; 35,248 tấn gạo, 4.272 thùng mì tôm, 13.693 thùng nước uống, duy trì 250 bồn chứa nước sạch sinh hoạt, loại 1.000 lít/bồn...
Nhiều địa phương của Hà Nội hiện vẫn đang bị ngập |
Huyện Mỹ Đức đã tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ từ 195 tổ chức, cá nhân, cấp phát cho người dân các xã bị thiệt hại vì mưa lũ 32,5 tấn gạo, 6.613 thùng mì tôm, 14.278 thùng nước uống, 1.888 thùng sữa...
Thông tin về công tác vận hành đảm bảo cung cấp nước sạch cho các vùng bị ngập úng, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các công ty nước sạch đã sẵn sàng phương án cấp nước bằng xe téc. Với những khu vực xe không vào được, sẽ cấp bình.
Hiện có từ 500 - 1.000 bình loại 20 lít được dự phòng để cấp cho những khu vực bị chia cắt và mất nước. Riêng Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội đã dự phòng 5 xe téc sẵn sàng cung ứng nước sạch, phục vụ cho những khu vực ngập úng.
Xử lý các giếng nước để ăn uống và sinh hoạt
Trong bão lụt, nước ngập tràn, cuốn theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác động vật... làm nước và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, ngay khi nước rút, người dân cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi truờng để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Bà Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận động, hướng dẫn Nhân dân dọn vệ sinh kết hợp với xử lý nước và vệ sinh môi trường sau mưa lũ, ngập lụt.
Đối với giếng khơi, dù đã dùng nilông hoặc nắp bịt miệng giếng, nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và nilông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng, chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng.
Người dân cần tiến hành vệ sinh, thau rửa giếng và khử khuẩn nước giếng như sau: Khơi thông tất cả các vũng nước đọng xung quanh khu vực giếng; tháo bỏ nắp và nilông bịt miệng giếng; nếu giếng ngập lụt, nước đục thì phải tiến hành thau vét giếng.
Múc cạn nước và vét hết bùn cặn. Các vùng có điện hoặc máy nổ thì dùng máy bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng. Trường hợp không thể thau vét được thì chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung.
Để hỗ trợ tiêu úng nhanh khu dân cư, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đang vận hành 140 trạm bơm với 440 tổ máy, tổng lưu lượng gần 1,223 triệu mét khối/giờ |
Nếu tất cả các giếng trong khu vực đều không thể thau vét thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời như múc vài chục lít lên bể chứa rồi đánh phèn và khử khuẩn, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp tiến hành thau rửa.
Trường hợp không có phèn chua để làm trong nước thì làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20 - 30 lít. Người dân đụcmột lỗ đường kính 1cm trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên, rồi đổ cát dày khoảng 25 - 30cm; đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử khuẩn.
Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng trong thì vẫn phải khử khuẩn trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử khuẩn ngay nước trong giếng để sử dụng. Một vài tuần sau, tiến hành thau rửa giếng.
Đối với các giếng đã bị ngập lụt thì nhất thiết phải thau rửa và khử khuẩn mới được sử dụng. Khi có hàng loạt giếng bị ngập lụt, nhu cầu cấp nước lớn mà không đủ lực lượng xử lý nước thì ở mỗi cụm dân cư chọn một vài giếng ít bị ô nhiễm xử lý trước để lấy nước dùng ngay.
Người dân có thể dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) để xử lý nước với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3. Hoà tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên thành giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử khuẩn.
Sau đó, khử khuẩn giếng nước bằng các chế phẩm khử khuẩn nước sinh hoạt đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Trong trường hợp xử lý nước bằng Clo, nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cần cho thêm hóa chất vào giếng và khuấy đều, cho thêm đến khi nào nước giếng có mùi Clo thì thôi. Người dân dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử khuẩn, sau đó để khoảng 30 phút là có thể dùng được.
Sau khi khử khuẩn ngửi thấy mùi Clo thì việc khử khuẩn mới có tác dụng. Trong trường hợp không có hoá chất khử khuẩn, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử khuẩn.
Đối với giếng khoan, bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa sau đó có thể sử dụng được. Người dân cần lưu ý làm vệ sinh bơm, sàn giếng.