Đảm bảo nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm trước nguy cơ lũ
Chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão, ngập lụt
Thực các chỉ đạo của UBND TP, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của hoàn lưu bão bão; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị.
Ngoài ra, các đơn vị cũng tăng cường công tác tuyên truyền cho bệnh nhân và người dân tại cộng đồng về công tác phòng chống dịch bệnh thường xuất hiện trong và sau mùa mưa bão, ngập lụt; trọng tâm vào những dịch bệnh đường tiêu hóa, sởi, sốt xuất huyết, ngoài da, đau mắt đỏ… ; nâng cao ý thức trách nhiệm chuẩn bị sẵn sàng chủ động tham gia và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Các đoàn thể phối hợp vệ sinh môi trường sau cơn bão số 3 |
Toàn ngành triển khai thực hiện bảo dưỡng ô tô, máy phát điện, máy phun hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch khi có lụt, bão, úng xảy ra; đảm bảo đủ hoá chất để khử khuẩn xử lý ô nhiễm môi trường các nơi bị lụt, bão, úng (Cloramin B, vôi bột); đóng gói hóa chất cloramin B để xử lý nguồn nước, xử lý môi trường cho các xã, thị trấn được kịp thời.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng chuẩn bị đủ cơ số thuốc cấp cứu, các thuốc điều trị bệnh dịch thường phát sinh sau ngập lụt như về tiêu chảy, bệnh ngoài da, các bệnh về mắt.
Công tác đảm bảo an toàn cho cơ sở y tế cũng được triển khai như rà soát, kiểm tra và gia cố cơ sở vật chất như các cửa kính, cửa chớp các phòng trên tầng cao để có biện pháp an toàn; triển khai các biện pháp tăng cường chống ngập, úng tại các đơn vị, đặc biệt các đơn vị ở vùng trũng, thấp có khả năng ngập úng cao.
Các đơn vị cũng xây dựng phương án xử lý đối với rác thải y tế khi có tình huống ngập khi vực lưu giữ chất thải y tế. Các đội phòng chống dịch cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh môi trường khi nước rút
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã lên phương án cho các vùng trũng; điều tra nắm số lượng số thôn, xóm, hộ dân, trường học, cơ quan xí nghiệp, giếng khoan, chuồng gia súc, điểm chân rác trong vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng chống dịch, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Các Trung tâm Y tế (TTYT) điều tra nắm số lượng số người già, trẻ em, phụ nữ mang thai dự kiến sắp tới ngày sinh, người tàn tật, người yếu thế, người mắc bệnh nặng, người mắc bệnh mãn tính trong vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án đáp ứng y tế kịp thời.
Các điểm nhập úng tại huyện Chương Mỹ |
Tính đến ngày 9/9; huyện Chương Mỹ có 6 điểm ngập (thôn) ngập úng tại xã Tốt Động hiện còn 114 hộ gia đình ngập úng chủ yếu ngập sân, vườn, trong nhà (46 hộ). Thôn Bến Vôi xã Cấn Hữu ngập đường hiện tại các đội phòng chống dịch cơ động đã xuống nhà dân bị ngập để hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường.
Cũng theo thống kê của Sở Y tế, số người bị thương, tử vong (thống kê của các TTYT): 4 người chết, 17 người bị thương. Còn theo số liệu khám chữa bệnh tại các TTYT, tổng số bệnh nhân khám: 92; tổng số bệnh nhân chuyển viện: 26.
Thống kê tại các bệnh viện, tổng số bệnh nhân nội trú trước kỳ báo cáo: 9.619 ; tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị trị nội trú trong kỳ báo cáo: 1710; tổng số khám cấp cứu, tai nạn: 1842; tổng số khám tai nạn giao thông: 112; tai nạn lao động: 68, tai nạn sinh hoạt: 208. Tổng số khám cấp cứu, tai nạn do nguyên nhân khác: 1212.
Theo báo cáo từ các đơn vị, ghi nhận một số thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra như đổ cây (13 bệnh viện, 20 trạm y tế); bay, tốc, hỏng mái tôn (9 trạm y tế, 4 bệnh viện), mất điện và gián đoạn đường truyền internet...; không ghi nhận thiệt hại về người và tài sản lớn.
Hiện mức nước trên các sông đang dâng cao dẫn tới nguy cơ nhiều khu vực dân cư trên địa bàn Hà Nội có nguy cơ bị ngập nước (Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai. Sóc Sơn…).
Nguy cơ ngập lụt một số các điểm chân rác dẫn đến công tác vệ sinh môi trường còn chưa đảm bảo và có nguy cơ bùng phát các bệnh dịch thường gặp trong và sau mưa lũ (tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết, mắt…). Nguy cơ gia tăng các trường hợp tai nạn như sét đánh, đuối nước, điện giật, rắn cắn…
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường đáp ứng công tác y tế trong và sau mưa bão; kiểm tra, giám sát công tác ứng phó cơn bão số 3 và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị; đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu cho người dân 24/24h.
Sở cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến Thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Toàn ngành tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa bão; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch trong mùa mưa bão, tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan, bùng phát; xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh môi trường khi nước rút.