Đẩy mạnh liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bền vững
Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương
Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kế cận thành phố Cần Thơ là một điều kiện thuận lợi trong giao lưu, mở rộng kinh tế, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp. Mặt khác, với vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và tiểu vùng Bắc bán đảo Cà Mau, nằm giữa Tứ giác tăng trưởng Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - An Giang, tỉnh Hậu Giang sẽ có vai trò trung tâm trong giao lưu kinh tế và có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư trong, ngoài nước.
Do đó, những năm qua, Hậu Giang luôn xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp bền vững. Tại huyện Châu Thành A, thực hiện theo sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ngành có liên quan, doanh nghiệp và người dân trong huyện đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết: Việc địa phương đã và đang hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp đã giúp người dân nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, bà con còn được cung cấp thông tin thị trường, cung cấp vốn để phục vụ sản xuất.
Xoài cát Hòa Lộc được xem là một trong những cây trồng chủ lực của bà con Nhân dân huyện Châu Thành A |
Ngoài ra, khi triển khai thực hiện tốt chuỗi giá trị trong sản xuất đã giúp các hợp tác xã trong huyện gia tăng khả năng cạnh tranh và từng bước xây dựng được thương hiệu nông sản của mình; Nhờ đó tăng khả năng chủ động ký hợp đồng với khách hàng nhờ quy mô sản phẩm đủ lớn và đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất, khả năng cung cấp thường xuyên phục vụ yêu cầu thị trường.
Hiện tại, huyện Châu Thành A đã quy hoạch vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, đồng thời cũng hình thành được 2 mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa với tổng diện tích 800ha và một cánh đồng số hóa với tổng diện tích 80ha.
Từ mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, các địa phương đã thành lập được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, với diện tích khoảng 5.000ha trên địa bàn các xã như: Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn.
Ông Hà Minh Triều, Giám đốc Hợp tác xã Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, hiệu quả thấp nên hợp tác xã đã liên kết bà con lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác lúa, cũng như được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn và đặc biệt là tạo ra sản lượng hàng hóa lớn nhằm thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và bao tiêu sản phẩm được ổn định như hôm nay.
Hiện tại, hợp tác xã có 100ha đất lúa ở ấp Trường Thọ A và Trường Phước A được bà con canh tác theo chuẩn VietGAP, với sản lượng cung ứng mỗi năm hơn 2.000 tấn. Ngoài ra, hợp tác xã còn có hơn 300ha sản xuất lúa hàng hóa, 40ha sản xuất lúa giống và ở mỗi vụ canh tác đều có doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua lúa cho bà con”.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất
Ngoài cây lúa, hiện huyện Châu Thành A cũng quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái theo điều kiện canh tác của từng địa phương sẽ gắn với loại cây trồng phù hợp, đồng thời thực hiện liên kết giữa các nhà vườn cùng doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, huyện Châu Thành A cũng đã triển khai lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Nhơn Nghĩa A để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản chủ lực của huyện.
Ông Trần Văn Quang, hộ có hơn 1ha xoài cát Hòa Lộc ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, thông tin: “Từ khi bà con liên kết lại thành nhóm (hiện có 22 thành viên) để hỗ trợ qua lại lẫn nhau thì việc canh tác xoài của nhà vườn nơi đây đạt hiệu quả hơn rất nhiều.
Theo đó, từ lúc xử lý xoài ra bông đến khâu thu hoạch, nhất là trong giai đoạn xoài trước trổ bông đến bao trái đều được các nhà vườn trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình. Chính vì vậy, nếu một người trúng mùa là chắc chắn cả 21 thành viên còn lại đều có năng suất cao vì có chung cách xử lý và các kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc”.
Thời gian tới, huyện Châu Thành A sẽ tiếp tục quan tâm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị nông sản |
Bên cạnh quy hoạch vùng, khu sản xuất thì để tiện cho việc kêu gọi liên kết hợp tác sản xuất và sản lượng chế biến, tiêu thụ đảm bảo, thời gian qua, ngành chức năng huyện Châu Thành A còn đặc biệt quan tâm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất.
Cụ thể, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ; Sử dụng các giống cây trồng có tính ưu việt, phù hợp với điều kiện địa phương; Ứng dụng tưới nước tiên tiến, tưới nước tiết kiệm và sử dụng các máy móc thay thế sức người.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp địa phương cũng hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cây trồng theo nguyên tắc IPM, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại nhằm tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Châu Thành A đã có 22 hợp tác xã nông nghiệp, 70 tổ hợp tác và nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết cung ứng vật tư và bao tiêu, thu mua các sản phẩm nông nghiệp của người dân trong huyện như: Sản phẩm lúa, xoài cát Hòa Lộc, nhãn ido, cam sành, chanh không hạt, sầu riêng...
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết thêm: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản chủ lực theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện được ổn định, bền vững thì trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của huyện.
Bên cạnh đó, cần thực hiện hỗ trợ tư vấn liên kết; Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; Hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh một số cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Đối với các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất - kinh doanh cần nâng cao trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất, thu hút lao động, nguồn vốn đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, góp phần làm giàu cho mình và cho xã hội.