Đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước, giữ vững nguồn cung xăng dầu
Tiếp tục chương trình làm việc đợt 1 của phiên họp thứ chín, sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất gồm: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản...
Nhóm vấn đề thứ hai gồm: Việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân...
Nguồn cung xăng dầu không lúc nào thiếu
Trước tình trạng thiếu hụt xăng dầu hiện nay, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Bình Định) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương nêu giải pháp căn cơ nào để giải quyết tình trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp bị lỗ, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng chờ tăng giá.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Giá xăng dầu thế giới tăng đột biến vì đứt gãy nguồn cung tại một số nước có sản lượng lớn, tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine...
Thị trường xăng dầu thế giới tăng với biên độ 40 - 60%. Cùng với đó, nguồn cung trong nước gặp khó khăn do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, cung ứng 35% số xăng dầu cả nước, giảm công suất. "Ba tháng qua, nhà máy này chỉ sản xuất được tối đa 80% công suất", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn |
Cùng với các giải pháp bình ổn thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế: Tính tới giữa tháng 2 vừa qua, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ đáp ứng tới hết tháng 3. Cụ thể, tháng 2, tổng nguồn cung trong nước có khoảng 3 triệu m3, trong đó nguồn tồn dư là khoảng 1,2 triệu m3. "Nguồn cung không lúc nào thiếu", Bộ trưởng cho biết. Thậm chí, Bộ Công thương "có kế hoạch, phân giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu lên gấp đôi sản lượng bình thường, 1 triệu m3 trở lên".
Về hoạt động thanh, kiểm tra, Bộ trưởng nêu rõ công tác kiểm tra ở các địa phương, với sự kết hợp của Tổng cục Quản lý thị trường và Sở Công thương các địa phương đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm này, toàn thị trường có 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng.
Cơ quan quản lý đã xử lý các cửa hàng bán lẻ vi phạm, chỉ chiếm rất ít với 211 cửa hàng. Cũng theo Bộ trưởng, có nhiều lý do dẫn đến việc nhiều cửa hàng dừng bán, có cửa hàng đóng cửa sửa chữa, có cửa hàng đã báo cáo việc dừng bán, nhưng cũng có những cây xăng cố tính "găm hàng", chờ nâng giá.
"Việc cửa hàng đóng cửa, treo biển không có nguồn cung là có thực, dù chỉ là số ít, do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất khiến nguồn cung bị thiếu hụt", Bộ trưởng nói.
Cần đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước
Phân tích vấn đề ở góc độ khác, ĐBQH Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế giá xăng dầu cơ sở trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành giá gần đây có biến động khá lớn so với thời điểm đầu năm 2022 (từ từ 44-60,02%) nên cùng với biến động này, giá tại thị trường trong nước cũng tăng từ 24,91-39,56%. Quá trình điều hành xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn? Thiệt hại này do ai gánh chịu?
Trả lời về nguyên nhân giá xăng dầu trong nước có biên độ biến động thấp hơn so với giá cơ sở trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính đã sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Khẳng định "nếu không trích từ Quỹ này từ 500-1.500 đồng/lít trong một kỳ điều hành thì giá xăng dầu không thể thấp hơn giá thế giới", Bộ trưởng lý giải, vì "Thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu".
Toàn cảnh phiên chất vấn |
Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thì việc duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng, nhưng quỹ này có hạn, trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn. "Khi âm quỹ thì phải chấp nhận ghi nợ để sau này khi giá xăng dầu xuống lại tiếp tục trích lập, khi khó khăn phải bỏ ra dùng như câu nói của người xưa tích cốc phòng cơ", Bộ trưởng khẳng định.
Trong trường hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Nếu giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí khác. Hết công cụ thuế, phí mà vẫn không ổn, trong khi giá thế giới cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng cao".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ: "Để kìm giá, giữ chỉ số CPI và để đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các Bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế".
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Trong bối cảnh xăng dầu thế giới diễn biến vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn. Đối với hoạt động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ.
Từ góc độ quản lý Nhà nước về ngành, Bộ trưởng nhận thấy phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu. Chúng ta có Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do PVN làm chủ đầu tư nhưng công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nâng công suất hoặc ít nhất là duy trì công suất thiết kế để giữ nguồn cung xăng dầu trong nước.