Đẩy mạnh trồng cây ăn quả giá trị cao, hướng đi mới của ngành Nông nghiệp Thủ đô
Phát triển các vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cây ăn quả đang trở thành nhóm cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Hiện, toàn thành phố có hơn 21.880ha cây ăn quả các loại (tăng 39% so với năm 2015); sản lượng quả năm 2020 đạt 300.886 tấn (tăng 35% so với năm 2015).
Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực (chiếm 62% tổng diện tích) gồm: Chuối, cam Canh, bưởi, nhãn chín muộn. Thành phố cũng hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả; Hỗ trợ các hộ dân trồng mới, ghép, cải tạo hơn 10.000ha cây ăn quả, trong đó có hơn 1.000ha đã được ứng dụng công nghệ cao. Thàn phố xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể về cây ăn quả như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở (Hoài Đức), cam canh Kim An (Thanh Oai), bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)... Nhờ vậy, giá trị sản xuất cây ăn quả đã đạt 400-650 triệu đồng/ha, một số mô hình đạt 1 tỷ đồng/ha.
Mô hình trồng bưởi Diễn ở Phúc Thọ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương |
Ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn Quảng Đại (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) - một trong những hộ trồng cây ăn quả quy mô lớn cho biết: Nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vật tư... vườn cây ăn quả rộng 3ha của gia đình đã hạn chế sâu bệnh, mẫu mã đồng đều, sản phẩm sáng và đẹp hơn.
Vụ bưởi 2020 - 2021, tuy nhiều nhà vườn khó bán sản phẩm nhưng với mô hình đã được cấp chứng nhận VietGAP, việc tiêu thụ bưởi của gia đình ông Quyết rất thuận lợi, giá bán cao hơn thị trường 3.000-5.000 đồng/quả, hiệu quả kinh tế tăng gần 20%...
Không riêng hộ ông Quyết, hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn thị xã Sơn Tây đã đạt hơn 180ha, tập trung tại các xã: Cổ Đông, Sơn Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ... Đa số loại cây ăn quả (bưởi, chuối, nhãn chín muộn, táo, cam Canh...) trước đây được nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, nâng cao giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp thị xã Sơn Tây đã tích cực hỗ trợ nông dân triển khai xây dựng mô hình thâm canh bưởi VietGAP và cho kết quả khả quan trong những năm gần đây.
Không chỉ có thị xã Sơn Tây, tại xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), không ít hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ cây bưởi. Vụ bưởi năm nay, hộ ông Cao Văn Mai, ở xã Vân Hà thắng lớn khi 300 gốc cho thu hoạch tới 6 vạn quả. 5 năm trở lại đây, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ mà bưởi sai quả, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Theo thống kê của UBND huyện Phúc Thọ, hiện toàn huyện có hơn 300ha trồng bưởi, cho hiệu quả kinh tế bình quân đạt 500 - 600 triệu đồng/ha.
Cùng với bưởi Diễn, Hà Nội còn nhiều giống bưởi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao như bưởi Tam Vân, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi thồ Bạch Hạ, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi tôm vàng Đan Phượng… Do trồng xen nhiều giống bưởi khác nhau nên các vùng bưởi của Hà Nội luôn cho năng suất cao, đạt trung bình từ 20 - 22 tạ/ha.
Đặc biệt, các giống bưởi này có thời gian thu hoạch dài từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau nên đáp ứng yêu cầu rải vụ và tiêu thụ quả. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 5.700ha trồng bưởi, sản lượng đạt trên 62.000 tấn/năm.
Hướng tới thị trường tiêu thụ bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng và theo mùa. Trong đó, 62% diện tích trồng các loại quả đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô, ổi Đông Dư...
Ngoài ra, một số giống cây ăn quả mới du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố, như: Xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím... bước đầu cũng cho giá trị kinh tế cao.
Hà Nội lên kế hoạch trồng mới khoảng 500ha cây ăn quả các loại trong năm 2021 |
Đặc biệt, các mô hình hỗ trợ phát triển cây ăn quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP đang chứng minh rõ tính hiệu quả. Từ thực tiễn đó, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu chăm sóc, cải tạo hơn 1.000ha cây ăn quả hiện có thông qua kỹ thuật mới (lai ghép, cải tạo giống, cải tạo đất...) và trồng mới khoảng 500ha cây ăn quả các loại.
Để nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ, nông dân tại các quận, huyện về kỹ thuật trồng mới, thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi; Đặc biệt là tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ngành nông nghiệp còn chú trọng đến công tác xây dựng nhãn hiệu và tạo dựng thị trường bền vững.
Đến nay, Sở đã phối hợp với các địa phương xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể: “Bưởi Quế Dương”, “Bưởi Phúc Thọ”, “Bưởi Chương Mỹ”, "Bưởi thồ Bạch Hạ", "Bưởi tôm vàng Đan Phượng". Bên cạnh những thị trường truyền thống, thành phố đang bước đầu đưa sản phẩm lên sàn giao dịch nông sản Hà Nội cùng nhiều kênh khác để tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Hà Nội có thế mạnh rất lớn về cây bưởi, sản phẩm quả được người tiêu dùng đánh giá cao và đưa vào tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị như Hapro, Vinmart… Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn, chủ yếu qua kênh thương lái. Do đó, thành phố đã và đang đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ cao vào trồng bưởi cũng như bảo quản để có thể tiến tới xuất khẩu sang thị trường các nước như sản phẩm nhãn chín muộn.