Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn
Nhiều năm qua UBND huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhờ đó, giá bán cao hơn 10% so với trước
Bài liên quan
Hà Nội phấn đấu có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2019
Bài 3: Xu thế liên kết chuỗi trong chăn nuôi
Hà Nội tích cực bàn giải pháp xây dựng chuỗi giá trị và kết nối thị trường sản phẩm chăn nuôi
Kiểm tra chương trình phát triển chăn nuôi tại xã Nam Sơn, Sóc Sơn
Áp dụng quy trình chuẩn
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, hiện tổng đàn gà trên địa bàn huyện khoảng một triệu con, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú. Đây là những xã có diện tích đất đồi rộng, điều kiện tốt để nuôi theo hướng bán chăn thả nên gà có chất lượng thịt thơm ngon. Để nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm gà đồi Sóc Sơn, nhiều năm qua UBND huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhờ đó, giá bán cao hơn 10% so với trước, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao.
Xã Minh Phú (Sóc Sơn) được coi là "thủ phủ" chăn nuôi gà đồi của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) với nhiều trang trại tận dụng lợi thế vườn đồi nuôi theo kiểu bán hoang dã dưới tán cây ăn quả. Toàn xã có gần 3.000ha đất tự nhiên thì có tới 3/4 diện tích là đồi, rừng. Nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân nơi đây, từ năm 2013, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, nhờ đó bà con nông dân trên địa bàn xã đã được tiếp cận với các phương thức chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm riêng đối với gà đồi.
Ông Đặng Quang Tiến, một hộ dân chăn nuôi gà ở xã Minh Phú cho biết: Hiện nay, đa số các hộ chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn đều áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Gà được phân thành từng khu chuồng theo độ tuổi để có chế độ chăm sóc phù hợp. Đồng thời, các hộ chăn nuôi thường tận dụng cây cỏ thiên nhiên làm thức ăn cũng vừa là các vị thuốc giúp tăng cường sức đề kháng cho gà. Đặc biệt, sản phẩm gà đồi Sóc Sơn đã được đăng ký thương hiệu nên đem lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ dân chăn nuôi từ 1,5 đến 2 lần so với trước đây.
Cần có chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị
Mặc dù mô hình chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân, tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi, người dân còn gặp không ít khó khăn do thiếu vốn để mở rộng quy mô trang trại. Bên cạnh đó, các thủ tục bao gói lưu thông ra thị trường còn vướng ở một số khâu, nhất là tem nhãn, thiết bị bảo quản sản phẩm.
Nguyên nhân là do thói quen của người tiêu dùng vẫn sử dụng gà sống, gà lông nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức tiêu thụ sản phẩm đóng gói của chuỗi. Đầu ra cho sản phẩm gà sau khi sơ chế, đóng gói còn hạn chế do chưa liên kết được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Công tác quản lý còn bất cập, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán trên thị trường dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
Đánh giá hiệu quả mô hình chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn theo chuỗi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho biết: Khi các hộ dân tham gia tổ chức theo chuỗi đã làm giảm chi phí sản xuất do giá nhập các nguyên liệu đầu vào như thức ăn, con giống, thuốc thú y giảm hơn so với nhập lẻ. Thành viên tham gia chuỗi có lịch sản xuất cụ thể, giảm thiểu sự tập trung sản xuất theo mùa vụ như trước, giúp ổn định nguồn hàng trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với tiêu dùng…
Để mô hình gà đồi Sóc Sơn phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết: Chúng tôi đã đưa ra một vài đề xuất, cụ thể, trong thời gian tới, UBND huyện Sóc Sơn cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ mạnh cho mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa sản phẩm có nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường. Đồng thời, huyện cần mở các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức chăm sóc, cách tiếp cận thị trường, sản xuất theo nhu cầu tiêu dùng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương