Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án đường Vành đai 4
Tập trung tháo gỡ những khó khăn
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (dự án đường Vành đai 4) có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Đây là dự án quan trọng quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị...
Xác định tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, thành phố Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện. Hà Nội chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh lân cận trong triển khai dự án, tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả từng nội dung có liên quan đến địa phương mình, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ chung của toàn bộ dự án.
Các nhà thầu thi công nền đường của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, hiện tại dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi 726,61/791,40ha đất, đạt 91,81%. Ban đã tiếp nhận hơn 654/726,61ha mặt bằng, đạt 90,02%. Các nhà thầu thi công huy động cả nghìn công nhân triển khai đồng loạt trên 29 mũi, bao gồm 21 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, dự án thành phần 2.1 có tổng chiều dài khoảng 58,2km, đi qua địa phận 7 quận, huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín.
Trên toàn tuyến tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu. Hiện dự án đã thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cầu vượt sông, kênh mương và cầu vượt đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Đơn vị thi công phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng thẩm định Nhà nước ra thông báo thẩm định, làm cơ sở để UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong quý IV/2023.
Đảm nguồn cung vật liệu phục vụ thi công
Liên quan đến mỏ vật liệu phục vụ dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, các cơ quan có thẩm quyền tại dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã tích cực lên phương án, tính toán nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu.
Theo tính toán, với dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3 (do thành phố Hà Nội thực hiện), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 7,4 triệu mét khối, trong đó đất đắp khoảng 1,87 triệu mét khối; cát đắp khoảng 5,53 triệu mét khối.
Thi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua huyện Hoài Đức |
Chủ đầu tư đã khảo sát 17 mỏ đất với tổng trữ lượng khoảng 57,24 triệu mét khối tại địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, 3 mỏ đất trên địa bàn thành phố Hà Nội (trữ lượng khoảng 7,1 triệu mét khối) chưa được duyệt do nằm trong quy hoạch rừng sản xuất.
Trước mắt, thành phố Hà Nội sẽ sử dụng đất đắp tại các mỏ thuộc địa phương lân cận đã đủ thủ tục khai thác như 4 mỏ đất tại tỉnh Vĩnh Phúc; 4 mỏ tại tỉnh Thái Nguyên; 1 mỏ tại tỉnh Hòa Bình.
Với cát đắp nền, chủ đầu tư tổ chức khảo sát tổng số 32 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 75,5 triệu mét khối (Hà Nội 24 mỏ, Hòa Bình 1 mỏ, Phú Thọ 7 mỏ). Trong đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 mỏ đang hoạt động khai thác; 6 mỏ đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng khoảng 16,37 triệu mét khối; 11 mỏ nằm trong quy hoạch (trữ lượng ước khoảng 22,69 triệu mét khối). Về cơ bản, vật liệu cát san lấp, đắp nền trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện dự án.
Uỷ viên trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, các công trình trọng điểm luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ dự án và khả năng hấp thụ. Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Cùng với đó, thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm. Tất cả đều nhằm mục tiêu sớm đưa các dự án “về đích”, bảo đảm chất lượng.