DC Group - Hành trình tự “cải tạo”, “uốn nắn” bản thân
FAS Angel và hành trình miệt mài cứu người Hành trình xây dựng lớp tiếng Anh tại Móng Cái - địa đầu Tổ quốc Phân bón Max One: Hành trình 10 năm không ngừng nỗ lực |
Hành trang của anh trong giai đoạn đầu khởi nghiệp DC Group là gì?
Hành trang thời điểm mới bắt đầu khởi nghiệp của mình không có gì khác ngoài kinh nghiệm đến từ những thất bại, vấp ngã của tuổi trẻ bồng bột, nông nổi. Trước khi sáng lập các công ty được mọi người biết đến với danh nghĩa DC Group, mình đã phải “trả giá” và “mất mát” khá nhiều.
Khi thành công, ta sẽ chẳng thể nào học được nhiều bằng lúc thất bại. Thất bại mang lại quá nhiều bài học giá trị mà lúc thành công sẽ không bao giờ có cơ hội học được. Khi thành công, ta sẽ phần nào nhận thức được phương pháp đúng để đạt đến mục tiêu, nhưng chưa chắc cách thức ấy sẽ tiếp tục phù hợp trong những giai đoạn tiếp theo. Những cách làm đưa chúng ta đến thất bại một lần chắc chắn đến về sau vẫn sẽ sai. Hành trang lớn nhất đối với mình có lẽ là biết chắc chắn những điều không được phép làm.
Thách thức đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp của anh là gì?
Thách thức ngày một tăng lên trên hành trình khởi nghiệp. Tuy vậy, vạn sự khởi đầu nan, giai đoạn đầu bao giờ cũng khó khăn nhất khi mình đã quá lười “làm công” mà mong muốn “làm chủ” ngay. Đây là bài học thấm thía nhất đối với mình. Người trẻ với vốn sống, kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản trị, sự va vấp trải nghiệm với con người... tất cả những thứ ấy là không đủ để có thể làm chủ. Nếu chưa làm chủ được bản thân thì đừng mơ mộng đến việc làm chủ người khác. Những điều này phải trải qua rất nhiều năm trải nghiệm mình mới có thể nhận ra.
Những người bạn đồng trang lứa làm việc và học được nhiều điều tại những tập đoàn, công ty lớn, họ làm không chỉ vì đồng lương mà còn bởi cơ hội được học hỏi về quy trình, phong cách làm việc và rất nhiều giá trị khác. Ấy đồng thời là cơ hội để thấu hiểu mong muốn, khao khát của nhân sự, nhìn nhận những thách thức hiện diện từ những công việc nhỏ nhất. Những điều ấy mình không may mắn có được mà phải tìm tòi khá “chật vật” để tự trau dồi cho bản thân.
Phần mà chúng ta không biết gì quá lớn. Nếu mỗi người tự nhận thức những điểm thiếu sót ở bản thân, khi ấy còn có thể tìm cách khắc phục. Nếu không biết bản thân đang chưa tốt ở điểm nào, ấy là điều đáng báo động.
Với những bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp hay sáng lập một điều gì đó, bạn nên chậm lại một nhịp, dành cho bản thân những khoảng lặng cần thiết để nhìn nhận chính mình. Liệu kiến thức mình tích lũy đã đủ vững vàng? Những kỹ năng của mình đã thực sự hoàn thiện? Còn điều gì bản thân thiếu sót mà trước đây mình chưa từng nhận ra? Khi tỉnh táo nhìn nhận lại bản thân, bạn sẽ dành thời gian quan sát học hỏi từ những điều nhỏ nhất. Và có một sự thật cần thừa nhận rằng mình thực sự không giỏi như mình tưởng, còn rất nhiều điều chưa hoàn thiện và cần phải có thời gian rèn giũa, trau dồi để tốt hơn mỗi ngày dù chỉ 1%”.
Một người founder thực sự đương nhiên suy nghĩ phải lớn, nhưng nhất định phải làm từ những việc nhỏ nhất, và làm với thái độ như làm những việc lớn. Chỉ có như vậy, việc tự xây dựng công ty hay một “đế chế kinh doanh” của riêng mình mới có cơ hội thành hiện thực.
Theo anh, liệu có phải môi trường doanh nghiệp quá an toàn và dài hạn nên nhiều người chọn khởi nghiệp từ sớm để thách thức và khám phá bản thân?
Không nhất thiết phải bắt đầu sớm để về đích sớm. Quỹ thời gian của mỗi người là như nhau. Một ngày có 24 giờ, ban ngày bạn vẫn có thể đi làm tại công ty, khoảng thời gian ngoài giờ sẽ có nhiều lựa chọn bạn buộc phải ra quyết định. Nếu thực sự khao khát start-up, chắc chắn bạn phải chịu đựng nhiều điều mà mọi người không muốn chịu hoặc không chịu được.
Nếu muốn có 1 tỷ, hãy tạo ra thứ có giá trị 2 tỷ
Đó luôn luôn là “quy luật trong ngoài”. Bản thân mỗi người mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, tất yếu sẽ phải có một hoặc nhiều ai đó mang tiền đến cho mình. Mong muốn nhận được nhiều bao nhiêu tương đương với việc phải tạo ra nhiều giá trị bấy nhiêu. Chỉ khi tạo được nhiều giá trị, thế giới mới trả công cho mình. Nếu muốn có 1 tỷ, hãy tạo ra điều gì có giá trị 2 tỷ, lúc ấy thế giới may ra mới trả cho bạn 1 tỷ.
Bên trong, nội tại bạn tạo được giá trị bao nhiêu thì thế giới ngoài kia mới trả lại cho bạn ít hơn hoặc bằng như thế. Mỗi chúng ta có xuất phát điểm khác nhau, bởi vậy không có công thức chung cho tất cả. Nếu vạch đích của người khác tốt hơn bạn, không có cách nào khác ngoài việc tự bản thân mình phải nỗ lực hơn - đó là con đường duy nhất.
Đây cũng đồng thời là niềm tin được xây dựng ở văn hóa của DC Group. Bạn không bao giờ có thể nhận được điều gì tốt đẹp nếu tự bên trong bản thân bạn không tốt hơn những điều ấy.
Khi bắt đầu khởi nghiệp đã nắm chắc 90% thất bại, 10% còn lại sự khác biệt nằm ở đâu, thưa anh?
Hành trình khởi nghiệp không chắc sẽ thành công, nhưng thất bại lúc nào cũng là một phần có thể chắc chắn được. Bắt tay vào start-up, người founder đã cầm chắc trong tay đến 90% thất bại, vậy 10% còn lại đến từ đâu? Đó là rất nhiều yếu tố tổng hòa.
Ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, tài sản hữu hình đôi khi không giúp ích quá nhiều, những tài sản vô hình như tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng và các mối quan hệ... lúc này sẽ đóng vai trò quyết định. Bản thân người founder cũng cần có trí tuệ cảm xúc tốt hơn bởi phải đối diện với nhiều áp lực. Những áp lực ấy nếu không làm founder, chắc chắn sẽ không bao giờ phải đối diện.
Người founder trên hành trình khởi nghiệp liệu có gì thay đổi?
Trên hành trình khởi nghiệp, bản thân mình đã và đang thay đổi nhiều. Khi mỗi quyết định đưa ra liên quan đến quá nhiều người, làm gì cũng cần nhìn xa hơn, rộng hơn và sâu hơn. Lúc trước, mình được quyền sống theo mong muốn của bản thân, chỉ mình phải chịu trách nhiệm cho những việc mình gây ra. Nhưng khi phía sau mình là những công ty, đằng sau mỗi công ty là nhiều cán bộ công nhân viên và gia đình họ, bản thân người founder cần tiết chế và “bớt đi” bản ngã của chính mình.
Khi phải chịu trách nhiệm với nhiều người, khó lòng có thể là chính bạn như trước đây đã từng. Làm business khiến bản thân mình cảm thấy như đang trong thời gian đi “cải tạo”. Đó là cả một quá trình tự “uốn nắn” để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày.