Di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận Ba Đình được mở cửa đón khách tham quan
Người dân đứng ngoài cổng đền Quán Thánh thực hiện các nghi thức văn hóa tín ngưỡng trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần |
Căn cứ Thông báo cấp độ dịch của Thành phố, Công văn số 380/SVHTT-NSVH ngày 11/2/2022 của Sở Văn hoá và Thể thao, ngày 14/2/2022 của UBND quận Ba Đình ban hành Văn bản số 233/UBND-VHTT về việc mở cửa hoạt động trở lại đối với các di tích trên địa bàn quận.
Theo đó, UBND quận Ba Đình chỉ đạo: Cho phép mở cửa hoạt động trở lại các di tích lịch sử, văn hoá kể từ 7 giờ 15/2/2022 (đối với hoạt động lễ hội truyền thống, không tổ chức phần hội; Chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính) với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang bắt buộc, khử khuẩn, đứng giãn cách giữa người với người, bắt buộc khai báo y tế bằng mã QR.
Chiều 14/2, đền Voi Phục vẫn treo biển thông báo đóng cửa để phòng chống dịch bệnh COVID-19 |
Quận giao UBND các phường chủ động xây dựng các phương án chi tiết vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo nhu cầu văn hoá tâm linh phục vụ người dân; phân công cán bộ văn hóa - thông tin hướng dẫn người trông coi, trụ trì các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quản lý thực hiện việc truy cập và quét mã QR khai báo y tế trước khi mở cửa hoạt động trở lại.
Quận giao Phòng Văn hóa và Thông tin chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các di tích thuộc quận quản lý thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh COVID-19; Đảm bảo việc truy cập và quét mã QR, niêm yết mã QR khai báo y tế trước khi mở cửa hoạt động trở lại; Chịu trách nhiệm kiểm tra, báo cáo tình hình hoạt động mở cửa trở lại của các di tích trên địa bàn quận kịp thời báo cáo UBND quận để chỉ đạo, giải quyết.
Đền Voi Phục, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình sẽ mở cửa đón khách vào sáng mai (15/2/2022) |
Quận Ba Đình yêu cầu Phòng Văn hoá và Thông tin, UBND 14 phường chỉ đạo các Ban Quản lý di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn quận chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng chống dịch (nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, biển bảng phân luồng, thông báo lối ra, vào lễ tại các di tích…); Phân công bố trí lực lượng cán bộ, nhân viên, thành viên ban quản lý di tích hướng dẫn, phân luồng không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc.
Đặc biệt, Trưởng Ban quản lý di tích có trách nhiệm quyết định việc đóng cửa tạm thời các di tích nếu số lượng người dân đến tham quan, tín ngưỡng quá đông, ảnh hưởng đến công tác an ninh trật tự, an toàn phòng chống dịch (thời gian tạm đóng cửa không quá 60 phút); Khi tạm đóng cửa di tích phải thông báo, treo biển bảng trước cửa các di tích để Nhân dân biết và đồng thuận với chủ trương của quận góp phần phòng, chống dịch COVID-19 an toàn, hiệu quả.
Trước đó vào sáng cùng ngày, trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Võ Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh cho biết, phường đã có đề nghị với quận và quận Ba Đình cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa Đền Quán Thánh để du khách thập phương đến đền tham quan, thực hiện các nghi thức văn hoá tâm linh.
Theo ghi nhận của PV, chiều 14/2, cổng đền Quán Thánh và đền Voi Phục - 2 trong 4 tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa vẫn đóng cửa cổng, phía ngoài treo biển thông báo đóng cửa phòng dịch COVID-19.
Được biếtt, ngày 9/2/2022 vừa qua, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội cũng đã cho phép các di tích như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… mở cửa đón khách tham quan, thực hiện các nghi thức tín ngưỡng tâm linh sau thời gian dài đóng cửa để phòng chống dịch bệnh COVID-19.